Tầm quan trọng của việc thực thi EPR đối với lĩnh vực dệt may

Cần thiết triển khai EPR Triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường phổ biến trên thế giới và được đánh giá là công cụ rất hiệu quả trong quản lý rác thải.

Tại Việt Nam, nội dung EPR đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được cụ thể hóa tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cơ sở pháp lý đã quy định đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện EPR, lựa chọn hình thức tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế. Gần đây nhất, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định 05) đã tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, quy định rõ các đối tượng thực hiện trách nhiệm, linh hoạt trong việc tái chế một số loại bao bì và quy định rõ hơn về các giải pháp tái chế giúp việc triển khai EPR được thực hiện rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn. Với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy và một số loại bao bì có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện và điện tử có trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2027. Thời điểm các nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký, kê khai kế hoạch tái chế và kê khai số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải là trước ngày 31/3 hàng năm. Theo đó, việc đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm sẽ được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống thông tin EPR quốc gia thay vì nộp bản giấy, giúp việc thực hiện chế độ kê khai, báo cáo thuận lợi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Theo Văn phòng EPR, Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trước khi có quy định về EPR, phần lớn bao bì sau khi sử dụng được thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, khi Việt Nam đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, nhất khi áp dụng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất bắt buộc phải tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Bao bì, pin sạc - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, sản phẩm điện, điện tử, phương tiện giao thông nằm trong nhóm danh mục bắt buộc phải đóng góp EPR. Trong đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì chịu ảnh hưởng chính. Họ là nhà sản xuất bao bì thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm tẩy rửa, xi măng… Một trong những thay đổi quan trọng của Nghị định 05 vừa ban hành, đó là quy định rõ việc loại trừ trách nhiệm EPR đối với một số nhóm nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì. Đó là: Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; Nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu bán các sản phẩm thuộc nhóm bao bì dưới 30 tỷ đồng/năm; Nhà sản xuất bao bì mà bao bì đó được chính nhà sản xuất đó thu hồi, đóng gói để tiếp tục đưa ra thị trường với tỷ lệ bằng hoặc cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc. Ngoài ra, Nghị định 05 cũng quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc, là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được thu gom và tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trong năm thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tăng dần tỷ lệ này, 3 năm một lần. Theo Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc triển khai EPR bắt đầu từ năm 2024 khi mỗi sản phẩm hàng hóa muốn xuất khẩu ra thị trường quốc tế phải có tỷ lệ tái chế bắt buộc trong sản phẩm này. Đến năm 2025, các mặt hàng như sắt, thép, nhôm, phân bón, xi măng… sẽ cần tăng cường tỷ lệ tái chế, xử lý nếu muốn xuất khẩu.
 Như vậy, việc thực hiện EPR là cần thiết và gấp rút, không chỉ giúp cho môi trường ngày càng xanh, sạch hơn mà còn giúp doanh nghiệp có thể duy trì xuất khẩu, sản phẩm bảo đảm tính bền vững trên thị trường quốc tế. Tác động của việc thực hiện trách nhiệm EPR đối với lĩnh vực dệt may Việc thực thi trách nhiệm EPR giúp doanh nghiệp được nâng cao nhận thức, thực thi một cách trách nhiệm hơn nghĩa vụ với bảo vệ môi trường. Từ đó, đáp ứng với những quy định ngày một cao về “tiêu chuẩn xanh” của các thị trường, nhất là trong lĩnh vực dệt may. Không chỉ tạo thêm dư địa xuất khẩu cho các ngành hàng, thực thi EPR còn góp phần quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết đưa ra tại COP26. Việt Nam là cường quốc xuất khẩu dệt may, tính riêng năm 2024 đạt tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 43,5 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2025 được dự báo tiếp tục có nhiều thuận lợi nhưng ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối diện không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh từ một số đối thủ mạnh, tiêu biểu như Trung Quốc và Bangladesh. Theo Phó cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ngành dệt may Việt Nam đang thiếu một yếu tố quan trọng để tạo ra năng lực cạnh tranh là nguyên vật liệu tái chế. Cụ thể, hiện nay, tỷ lệ vật liệu tái chế trong sản phẩm đang trở thành yêu cầu của nhiều thị trường. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó đáp ứng tỷ lệ này do ngành công nghiệp tái chế dệt may vẫn còn hạn chế, còn nếu nhập khẩu vật liệu tái chế từ nước ngoài thì giá rất đắt đỏ. Theo nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), ngành công nghiệp tái chế dệt may đang manh nha được hình thành tại Việt Nam, với sự tham gia của cả doanh nghiệp và khu vực phi chính thức. Ngành công nghiệp tái chế giúp xử lý khoảng 60% phụ phẩm của ngành dệt may sau sản xuất, chưa kể đến phần rác thải dệt may sau tiêu dùng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa xuất hiện công nghệ tái chế “sợi ra sợi” nên hầu hết sản phẩm tái chế dệt may chỉ được ứng dụng để sản xuất vải không dệt hoặc bông dùng cho chăn, nệm, găng tay, đồ nội thất chứ chưa được ứng dụng lên quần áo. Trên thế giới, công nghệ tái chế hóa học “sợi ra sợi” đã xuất hiện nhưng tỷ lệ áp dụng chưa cao, chỉ khoảng 1%, theo công ty tư vấn CL2B. Công nghệ này đòi hỏi chi phí vận hành và đầu tư ban đầu lớn, nên vải sợi tái chế có chất lượng tốt thường có giá bán rất cao. Dù vậy, đã có doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam chấp nhận giá đắt để mua vật liệu dệt may tái chế chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp sở hữu công nghệ này đang mong muốn tìm đến những cường quốc dệt may để triển khai giải pháp tái chế dệt may công nghệ cao, nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm tại chỗ. Điển hình trong đó là Syre, công ty con của Tập đoàn H&M, mới đây đã đề xuất dự án tái chế dệt may tại Bình Định với quy mô vốn có thể lên đến 1 tỷ USD. Chuyên gia của GIZ đánh giá, việc phát triển ngành công nghiệp tái chế dệt may là yếu tố quan trọng giúp khẳng định vị thế của ngành dệt may Việt Nam trên trường quốc tế.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/