Năm 1990, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam chỉ đạt hơn 1 tỷ USD, đến năm 2024 đã đạt 44 tỷ USD (tăng 11,26% so với năm 2023). Các thị trường truyền thống cũng ngày một tăng, thể hiện sự chiếm lĩnh thị phần của ngành dệt may; trong đó, thị trường Mỹ có mức tăng cao nhất với kim ngạch 16,71 tỷ USD, tăng 12,33%; Hàn Quốc 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, EU 4,3 tỷ USD, tăng 7,66%; Nhật Bản 4,57 tỷ USD, tăng 6,18% so với năm 2023.
Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành dệt may hiện đang phải đối diện nhiều thách thức, khi đang ở vị trí thấp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất theo phương thức gia công, ít có sự đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại hay đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm, thị trường dẫn đến giá trị mang lại thấp. Mặt khác, sự kém phát triển của ngành dệt đã trở thành “nút thắt” kìm hãm sự phát triển ngành may, khiến các doanh nghiệp may không chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu vải theo chỉ định và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu; trong khi các sản phẩm may mặc có chi phí vải chiếm đến 70-80% giá thành khiến phần giá trị gia tăng còn lại rất thấp.
Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đang tập trung ở khâu gia công, phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu cho nên giá trị không cao. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của ngành chủ yếu dựa vào chi phí lao động thấp, đang dần mất đi lợi thế, trong khi những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, xu hướng thời trang thay đổi nhanh và áp lực thời gian giao hàng đòi hỏi phải thay đổi để thích ứng với thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng.
Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp dệt may cần tự hoàn thiện mình và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khai phá thị trường ngách để tạo dựng dấu ấn riêng trong ngành, từng bước cân bằng giữa khu vực sản xuất cạnh tranh cao với khu vực có giá trị sáng tạo lớn. Bên cạnh đó, ngành dệt may cần từng bước hình thành trung tâm phát triển sản phẩm theo ngành, vùng địa lý cũng như xây dựng các khu, cụm công nghiệp cung cấp sản phẩm theo chuỗi nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển dịch phương thức sản xuất từ CMT (may gia công) sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (sản xuất trọn gói), OBM (nhà sản xuất thương hiệu gốc) để nâng cao giá trị trong chuỗi. Đồng thời, tích cực đổi mới quản trị thông qua chuyển đổi số, đẩy mạnh tự động hóa và áp dụng trí tuệ nhân tạo nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào lao động thủ công, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, xây dựng các khu công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sợi, dệt nhuộm hoàn tất,… tạo đòn bẩy để dệt may Việt Nam phát triển, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn:Nhandan.vn