Đây là nút thắt lớn cần tháo gỡ để chuẩn hóa thị trường cung ứng nguyên, phụ liệu theo hướng quy mô và minh bạch.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Hà Thư
Tăng trưởng song vẫn nhiều rủi ro
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; cán cân thương mại xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Các thị trường xuất khẩu chính của ngành đều có sự tăng trưởng ấn tượng, trong đó đứng đầu là Hoa Kỳ, ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%; Liên minh châu Âu (EU) ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,66%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%...
Năm qua, Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may tốt nhất trong các cường quốc xuất khẩu dệt may thế giới và vượt lên Ấn Độ để đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu hàng dệt may. Dù vậy theo các chuyên gia, ngành Dệt may còn đối mặt nhiều rủi ro và khó khăn trong cạnh tranh. Thực tế cho thấy, ngành vẫn tập trung ở khâu gia công, tạo giá trị gia tăng thấp, đóng góp của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Nguồn cung nguyên liệu trong nước chưa nhiều. Nguyên liệu vải chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương, xuất khẩu dù có cải thiện nhưng để có ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây là yêu cầu từ công đoạn sản xuất vải đến hoàn thiện sản phẩm phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc vải phải nhập từ các nước trong cùng khối có hiệp định thương mại tự do. Mặt khác, theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu, từ sau dịch Covid-19, mô hình kinh doanh ngành Dệt may thế giới đã có nhiều thay đổi. Người mua hàng có xu hướng tìm kiếm nhà cung cấp có "giá trị gia tăng" với chuỗi liên kết chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, hướng đến là đối tác thay vì chỉ là nhà máy gia công đơn thuần.
Tiến tới tự chủ nguyên liệu sản xuất
Rõ ràng, minh bạch và tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, tận dụng tốt hơn lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đang là yêu cầu bức thiết với ngành Dệt may. Do đó, để “thoát kiếp gia công”, ngành cần chuẩn hóa thị trường cung ứng nguyên, phụ liệu theo hướng quy mô và minh bạch.
Trước yêu cầu cấp thiết này, Bộ Công Thương đang hướng tới thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang trong năm 2025. Trung tâm sẽ quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên, phụ liệu dệt may, da giày trong nước và nước ngoài trưng bày, giới thiệu sản phẩm nhằm rút ngắn thời gian tìm kiếm nguồn cung, giá cả cạnh tranh. Trung tâm cũng hỗ trợ doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nguyên, phụ liệu dệt may - da giày; triển khai hoạt động kết nối, giao thương và triển lãm sản phẩm, công nghệ sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may - da giày.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu cho biết, doanh nghiệp đang đẩy mạnh chiến lược phát triển chuỗi cung ứng để trở thành một điểm đến trọn gói khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may mặc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tập đoàn đã đưa vào hoạt động Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang. Trung tâm đóng vai trò “cầu nối chiến lược” gắn kết các doanh nghiệp, bảo đảm mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng từ sợi, dệt đến may hoàn thiện sản phẩm đều hoạt động đồng bộ. Trung tâm cũng nghiên cứu và phát triển các mẫu sản phẩm từ nguồn vải được sản xuất trong nước phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế, qua đó đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt, việc chủ động chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong nước, là yếu tố quyết định sự thành bại của ngành Dệt may Việt Nam. “May 10 hiện có hơn 600 nhà cung cấp nguyên, phụ liệu trong nước và quốc tế. Chúng tôi đang ký kết nhiều thỏa thuận cung cấp nguồn nguyên liệu, trong đó ưu tiên sử dụng nguyên liệu nội địa nhằm tăng tính chủ động”, ông Thân Đức Việt nêu.
Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu tự chủ về nguyên, phụ liệu, ngành Dệt may cần có chiến lược dài hạn và sự hỗ trợ từ Nhà nước về cơ chế, chính sách, nguồn lực, cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành. Chính phủ cần tập trung đầu tư các khu công nghiệp sinh thái có hệ thống xử lý nước tuần hoàn đáp ứng yêu cầu để thu hút nhà đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, bảo đảm nguồn cung tại chỗ cho ngành Dệt may.
Theo:Hanoimoi.vn