Phát triển bền vững - xu hướng nổi trội của ngành dệt may trong năm 2025

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tiếp tục là xu hướng nổi trội của ngành dệt may năm 2025, điều này là áp lực nhưng cũng mang lại cơ hội với doanh nghiệp.

Sức cạnh tranh cao

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam về đích với 44 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng may mặc. Đáng nói, trong chuỗi 12 tiêu chí cạnh tranh, có một số tiêu chí dệt may Việt Nam ngang ngửa, thậm chí vượt ‘ông lớn’ Trung Quốc, như: Chất lượng sản xuất, thời gian giao hàng, độ linh hoạt về số lượng đặt hàng, đổi mới và khả năng phát triển sản phẩm cùng với người mua… Đáng nói, tiêu chí về mức độ tuân thủ/tính bền vững, Việt Nam đứng đầu trong tổng số 6 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới.

Theo phân tích từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có nhiều yếu tố tạo nên sức cạnh tranh cao của ngành. Trong đó, chính trị, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lợi thế giá nhân công và tay nghề lao động so với 1 số nước; các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở ra thị trường có dân số đông, thu nhập cao (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP có 500 triệu dân; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực khối RCEP có 2,2 tỷ dân); các FTA với lộ trình giảm thuế về 0% ngắn không những thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn thu hút nguồn lực phát triển nguyên phụ liệu trong nước.

Xuất khẩu dệt may. Ảnh: Dony
 
 
 
Sản xuất xanh, tăng trưởng bền vững sẽ là xu hướng nổi trội của ngành dệt may năm 2025. Ảnh: Dony
 

Cùng đó, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cũng là yếu tố tốt thu hút đầu tư, đồng thời thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may nói riêng, hàng hóa nói chung.

Bước sang năm 2025, dự báo vẫn là một năm khó đoán định và nhiều thách thức, cần được theo dõi, cập nhật liên tục. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng chỉ ra một số rủi ro có ảnh hưởng chính đến triển vọng tăng trưởng năm 2025 bao gồm: Nguy cơ gián đoạn/đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như trì hoãn quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ do xung đột tại các khu vực leo thang; tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc (chủ yếu do tác động từ lĩnh vực bất động sản) có thể tạo ra sự lan tỏa tiêu cực trên toàn cầu do vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu; các chính sách bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng.

Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong năm 2025. Việc Mỹ áp thêm thuế sẽ khiến các đơn hàng dệt may từ Trung Quốc đắt hơn so với thông thường và đây là cơ hội tốt để các quốc gia cạnh tranh, trong đó, có Việt Nam đón đầu các đơn hàng, trong đó có hàng dệt may dịch chuyển từ Trung Quốc nếu tuân thủ tốt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.

Với nội tại ngành, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - thông tin, về đơn hàng không đáng quan ngại. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý I/2025, đang đàm phán cho quý II/2025, tuy nhiên, đơn giá xác định thấp. Cùng đó, những hạn chế hạ tầng logistics, thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất trong năm tới.

Dù vậy, năm 2025, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đạt từ 47 - 48 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng khoảng 9% so với năm 2024”, ông Giang thông tin. Đồng thời cho biết, đây là mục tiêu khá thách thức, trong bối cảnh các tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn phát triển bền vững ngày một dày đặc.

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony - cho hay, mục tiêu của doanh nghiệp trong năm 2025 khá khiêm tốn so với mức tăng trưởng 50% của năm 2024. Nguyên do, cũng như năm 2024, thị trường dệt may năm 2025 sẽ bất ổn, mục tiêu của Dony là duy trì ổn định tệp khách hàng đã có, tiếp tục nghiên cứu đầu tư nhằm tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Kiên định mục tiêu phát triển bền vững

Như vậy, năm 2025, dự báo tiếp tục dự báo là năm thách thức với ngành dệt may, đặc biệt chuyển đổi số và tăng trưởng xanh nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tiếp tục là yêu cầu lớn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025, Hiệp hội Dệt may Việt Nam xác định 5 giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, về đầu tư, hiệp hội thu hút các dự án dệt nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may.

Thứ hai, về thị trường, đa dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu, khách hàng, thị trường, sản phẩm; nâng cao năng lực marketing, tìm kiếm khách hàng trực tiếp; tăng cường liên kết chuyển dần từ sản xuất gia công sang các phương thức sản xuất cao hơn; phát triển thương hiệu, sản phẩm mới.

Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, hiệp hội phối hợp đào tạo nhân lực chất lượng cao cho quản trị, quản lý kỹ thuật, thiết kế, cho công nghệ mới, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Thứ tư là giải pháp về phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ, vật liệu, nguyên liệu mới thân thiện môi trường hoặc chuyển giao công nghệ; quản lý chất lượng toàn diện; nâng cao năng lực cơ sở nghiên cứu, chất lượng các đề tài. Cùng đó, nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số.

Cuối cùng là giải pháp về huy động vốn cho xây dựng các khu công nghiệp lớn, xử lý nước thải, điện áp mái, trung tâm thời trang; triển khai chương trình về tín dụng xanh, cho thuê tài chính chuyển đổi công nghệ xanh, tái chế; vốn cho phát triển cây nguyên liệu sẵn có trong nước (dâu tằm, đay, gai, chuối, dứa…)

Ở vị trí của doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PPJ Group - cho rằng, phát triển bền vững vừa là cơ hội nhưng cũng mang lại thách thức với doanh nghiệp. Về cơ hội, doanh nghiệp có khả năng tối ưu hóa quy trình sản xuất; kiểm soát định mức, giảm chi phí và tài nguyên đầu vào; giảm phát thải, tạo dựng nền tảng vững chắc để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn…

Tuy nhiên, để có được những cơ hội đó, doanh nghiệp dệt may phải giải quyết được "bài toán" chi phí cho ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chi phí về chuyển đổi xanh. Cùng đó, làm sao thích ứng được với sự thay đổi của thị trường và người tiêu dùng…

Giải pháp cho những vấn đề này, theo ông Đặng Vũ Hùng, doanh nghiệp dệt may trong nước nỗ lực giảm mức tiêu thụ tài nguyên, hạn chế tác động đến môi trường; cân đối net zero nội bộ doanh nghiệp. Đồng thời, tìm giải pháp khép kín hơn nữa vòng lặp lại của quy trình sản xuất.

Theo:Congthuong.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/