Dệt may “tìm đường” thích ứng với kinh tế tuần hoàn
Phát triển sản xuất gắn với kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cao về mức độ tác động đến môi trường, trách nhiệm xã hội đã và đang là thách thức lớn của doanh nghiệp (DN) dệt may. Vì vậy, các DN ngành dệt may đang cần sự hỗ trợ để giữ vững tăng trưởng xuất khẩu.
Tăng trưởng nhưng vẫn lo
Hàng dệt may thuộc nhóm có giá trị xuất khẩu lớn của tỉnh đang lấy lại đà tăng trưởng khi một số khách hàng truyền thống đặt hàng sản xuất mới, nhiều đơn hàng có số lượng lớn.
Sản xuất tại Công ty cổ phần May mặc Bình Dương
Theo số liệu ước tính từ Sở Công thương cho thấy, sau năm 2023 với quá nhiều khó khăn thì năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may của tỉnh đã có bước phục hồi tốt. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.204,4 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Phan Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May mặc Bình Dương: năm 2024 xuất khẩu khởi sắc hơn, một phần nguyên nhân là do DN trong nước đã từng bước đáp ứng quy tắc xuất xứ, chủ động và linh hoạt trong tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, DN dệt may trong nước lại phải đối mặt với thách thức mới đến từ các thị trường yêu cầu tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn theo 4 khâu/giai đoạn của vòng đời sản phẩm gồm: sản xuất, trong đó đặc biệt chú ý tới khâu thiết kế; tiêu dùng; quản lý chất thải, biến chất thải trở lại thành tài nguyên.
Vấn đề đặt ra là để đáp ứng được những quy định này, DN sẽ phải đầu tư công nghệ hiện đại, thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý, chi phí đầu tư tăng cũng có thể khiến giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Trưởng bộ phận hành chính của Công ty cổ phần May mặc Bình Dương cho biết, việc xanh hóa sản xuất trong ngành dệt may khá đa dạng và được DN này chuyển đổi từng bước phù hợp, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, thay thế sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên…
Tuy nhiên, khi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, chi phí của DN sẽ tăng đáng kể. Theo tính toán, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh, giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống. Từ đó, sản phẩm đưa ra thị trường có sự cạnh tranh rất lớn về giá, gây khó khăn cho DN. Đây cũng là lực cản đáng kể cho DN dệt may trên con đường xanh hóa, nhất là các DN vừa và nhỏ.
Sản xuất tại công ty Panko ( TP.Bến Cát)
Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần may Quốc tế (TP.Bến Cát): trước hết về mặt thị trường, châu Âu đang rốt ráo thực hiện các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến yếu tố xanh, bảo vệ môi trường. Nếu không đáp ứng sẽ không thể đưa hàng hóa vào thị trường, điều này bắt buộc DN phải chuyển đổi. Tuy nhiên, mới chỉ có DN lớn có năng lực tài chính tốt thực hiện đầu tư, còn lại vẫn là thách thức với DN nhỏ và vừa khi nhiều quy định có phạm vi rất rộng, kỹ thuật cao.
“Phát triển bền vững và xanh hóa đồng nghĩa DN phải đầu tư hạ tầng của các nhà máy đạt tiêu chuẩn trong nước và cam kết của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; sử dụng sản phẩm thiên nhiên như năng lượng mặt trời, đầu tư cho điện áp mái. Cuối cùng là tạo tính liên kết chuỗi, bắt tay để đạt các chuẩn mực, yêu cầu của nhãn hàng toàn cầu. Tất cả các yếu tố trên là hướng đi bắt buộc nhưng điều tiên quyết là mỗi chủ DN cần có ý thức trong mục tiêu phát triển bền vững, xanh hóa, đầu tư vào nhà xưởng, công nghệ, năng lượng tái tạo, môi trường… Cùng với đó, DN phải tuyên truyền nâng cao ý thức của bộ phận quản lý và người lao động. Xanh hóa, phát triển bền vững là con đường phải đi với ngành dệt may. Tuy nhiên, cũng phải xác định con đường này rất hiểm trở và thách thức lớn nhất là nguồn tài chính”. (Bà Phan Lê Diễm Trang).
Cần chiến lược xanh hóa
Cũng theo bà Phan Lê Diễm Trang, ngành dệt may cần có chiến lược, chính sách cụ thể cho xanh hóa sản xuất. Có thể xây dựng quỹ tài nguyên môi trường cho DN vay với lãi suất 0%, hoặc 1 - 2%/năm để đầu tư cho xanh hóa.
Chính sách này triển khai càng nhanh càng tốt, bởi luật chơi toàn cầu không chờ đợi bất cứ ai. Các DN cũng mong muốn ccác cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe cộng đồng DN đang vướng mắc gì cần tháo gỡ và hỗ trợ.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đó là phát triển xanh.
Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ tập trung phát triển xanh hóa nền kinh tế với sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh… nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội.
Có thể thấy, hiện nay, nhiều DN tại Bình Dương đã và đang tập trung vào sản xuất xanh như một chiến lược cạnh tranh quan trọng. DN chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tái tạo, và giảm thiểu chất thải để giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Các hành động này không chỉ đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh mà còn định hình tương lai của ngành công nghiệp tại Bình Dương, hướng tới xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn xanh trong thời gian tới
Nguồn: Baobinhduong.vn