Dệt may với thách thức… 48 tỉ đô la
Với lượng đơn hàng sản xuất đang tăng cao, ngành dệt may đưa ra mục tiêu xuất khẩu trong năm mới 2025 là 47- 48 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, vào năm 2023, dệt may cũng đặt ra mục tiêu này nhưng không thực hiện được.
Vào năm sau, tuy dự báo tình hình kinh doanh sẽ lạc quan nhưng ngành dệt may vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ít cơ hội tiếp cận với những đơn hàng lớn, đơn giá không tăng và phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng chưa tăng.
Công nhân đang làm việc tại VitaJean. Ảnh: Website DN
Tăng nhờ chuyển dịch đơn hàng của các quốc gia khác
Báo cáo tình hình kinh doanh tháng 10 vừa qua, lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận, doanh thu thuần đạt hơn 13,6 triệu đô la Mỹ và 955.000 đô la lãi ròng, tương ứng tăng 19% và cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 10 tháng, TCM ghi nhận 134,3 triệu đô la doanh thu và hơn 10,3 triệu đô la lãi ròng, tương ứng tăng 15% và tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại công ty đang tiếp nhận đơn hàng cho quí 1 năm tới.
Còn tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Việt cho hay, năm nay đơn hàng sản xuất tăng khoảng 25% so với năm ngoái. Doanh nghiệp này đã có đơn hàng đến sản xuất đến quí 1, thậm chí bước qua quí 2-2025. Dự báo, tình hình đơn hàng vẫn sẽ tiếp tục khả quan, ông Thắng chia sẻ và nói thêm: “Căng thẳng chính trị thế giới khiến nhà mua hàng đổ về Việt Nam. Tuy đơn hàng nhiều hơn song đơn hàng số lượng lớn lại giảm mạnh”.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may từ đầu năm đến trung tuần tháng 10 vừa qua đạt 28,85 tỉ đô la, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và là ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ 4 của Việt Nam.
Với kết quả trên cùng với diễn biến đơn hàng đang thuận lợi, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, xuất khẩu ngành sẽ về đích 44 tỉ đô la như đề ra, tăng 11,26% so với năm ngoái. Nếu đúng như kế hoạch thì kết quả này tương đương với đỉnh doanh số của ngành này đã lập được vào năm 2022.
“Kết quả này chủ yếu đến từ việc ngành dệt may đã tận dụng tốt sự chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh... sang Việt Nam”, ông Giang nói và lý giải, thời gian qua, tiêu dùng trên toàn cầu không tăng trưởng nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng là nhờ sự chuyển dịch của đơn hàng. Việt Nam là một trong những nước được lựa chọn làm đích đến của sự chuyển dịch đơn hàng vào cuối năm 2024 và năm 2025.
Một yếu tố nữa tác động lớn vào sự tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam là sự đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và mặt hàng sản xuất. Theo ông Giang, hàng dệt may Việt Nam xuất đi 104 thị trường. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, khối CPTPP và các nước ASEAN, sản phẩm dệt may Việt Nam còn xuất tới các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông.
Nhiều thách thức với mục tiêu 48 tỉ đô năm 2025
Kết quả đạt được của năm 2024 là nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 47-48 tỉ đô la vào năm tới, bằng với mức đặt ra cho năm 2023 mà ngành không với tới được mà chỉ đạt khoảng 40,5 tỉ đô la.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vitas, tình hình sản xuất dệt may năm sau tương đối thuận lợi, bởi hầu hết doanh nghiệp hiện đã có đơn hàng đến quí 1, đang đàm phán đơn hàng quí 2.
Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam được cải thiện, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng nhận định nhu cầu tiêu dùng, cùng sự bất ổn chính trị của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Myanmar... doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp tục được hưởng lợi. Nhiều nơi đang có các đơn hàng hết quí 2 tới.
Doanh nghiệp dệt may cần đầu tư công nghệ hiện đại để thích ứng. Ảnh: L.H
Dù vậy, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là cách thức mua hàng của các nhãn hàng hiện thay đổi rất nhanh. Dù đơn hàng đã đàm phán nhưng chỉ cần sức mua chững lại chừng 1-2 tuần là các nhãn hàng có thể sẽ yêu cầu nhà cung cấp ngưng sản xuất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam không còn có cơ hội lựa chọn những đơn hàng lớn mà từ hai năm nay phải chấp nhận làm những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh cùng rất nhiều yêu cầu khắt khe.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đưa ra đòi hỏi khắt khe hơn về xuất xứ sợi, vải trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn xơ sợi, vải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Chẳng hạn, với mặt hàng sợi, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập gần 584.000 tấn, trong đó sợi từ Trung Quốc chiếm gần 70%. Đặc biệt, nhiều cam kết ràng buộc khắt khe liên quan đến chất lượng sản phẩm với các nhãn hàng, nhà nhập khẩu đang đặt ra cho các doanh nghiệp.
“Hiện nay, các nhãn hàng nổi tiếng thế giới đặt hàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng phát hiện chất lượng sản phẩm không ổn định, phản ánh với nhãn hàng, nhãn hàng sẽ dừng việc đặt hàng”, Chủ tịch Vitas lưu ý.
Do đó, các chuyên gia trong ngành lưu ý các doanh nghiệp cần cẩn trọng, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, bám sát yêu cầu của khách hàng, thị trường để kịp thời thích ứng.
Trong đó, để ứng phó với tình trạng chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán không đổi, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ để giúp giảm giá thành sản xuất và đón nhận các cơ hội mới. Về nguyên liệu sản xuất, trong khi chờ nguồn vốn rót vào công nghiệp hỗ trợ nhiều hơn, doanh nghiệp cần nhanh chóng đa dạng nguồn cung để kịp thời thích ứng. Thay vì nguyên liệu được nhập nhiều từ Trung Quốc thì cần tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ Ấn Độ, Pakistan, Indonesia…
Chia sẻ vấn đề liên quan đến khía cạnh giảm phát thải carbon trong ngành dệt may, nhiều chuyên gia cho biết, hiện ngành chưa bắt buộc phải áp dụng các quy định trong giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, trong xu thế chung xanh hóa hướng tới NetZezo, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động "xanh hóa" để thích ứng với các chính sách mua hàng của các nhà nhập khẩu đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nguồn: Thesaigontime.vn