Qui định mới của EU về thiết kế sinh thái đối với sản phẩm bền vững.
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu và những vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp bách, Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực đẩy mạnh chính sách phát triển bền vững. Không chỉ khẳng định những cam kết trong công cuộc chuyển đổi xanh, EU đã thể hiện những hành động mạnh mẽ và dẫn đầu trong việc thiết lập quy chuẩn thương mại xanh mới, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững không chỉ tại EU mà trên toàn cầu.
Mới đây, vào ngày 13/6/2024, EU đã ban hành Quy định về thiết kế sinh thái đối với sản phẩm bền vững (Ecodesign for Sustainable Products Regulation - ESPR). Đây là một phần trong gói các biện pháp trọng tâm để thực thi Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn năm 2020 (2020 Circular Economy Action Plan) của EU, góp phần giúp EU đạt được các mục tiêu về môi trường và khí hậu cũng như các mục tiêu về hiệu quả năng lượng vào năm 2030 tại Thỏa thuận Xanh châu Âu (EU Green Deal - EGD). Quy định ESPR có hiệu lực từ ngày 18/7/2024.
"Đã đến lúc chúng ta phải từ bỏ mô hình 'lấy, làm, vứt' có hại, gây ảnh hưởng xấu đến hành tinh, sức khỏe và nền kinh tế của chúng ta. Các thiết kế sản phẩm trong tương lai nên ưu tiên lợi ích cho tất cả mọi người, thể hiện sự tôn trọng đối với hành tinh của chúng ta và đảm bảo bảo vệ môi trường. Các sản phẩm bền vững sẽ trở thành chuẩn mực, cho phép người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng, sửa chữa và đưa ra những lựa chọn thông minh về môi trường khi họ mua sắm".
Alessandra Moretti, Nghị sĩ châu Âu, nhà đàm phán chính của Nghị viện châu Âu về Quy định thiết kế sinh thái
Quy định ESPR là nền tảng trong cách tiếp cận của EU đối với các sản phẩm tuần hoàn và bền vững hơn với môi trường, thay thế Chỉ thị về Thiết kế sinh thái (Ecodesign Directive) ban hành năm 2009, đồng thời tạo ra khung pháp lý chung mới về thiết kế sinh thái đối với hầu hết hàng hóa lưu hành tại EU.
Quy định ESPR đưa ra những yêu cầu bắt buộc về thiết kế sinh thái dành riêng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể nhằm cải thiện hiệu suất năng lượng và những khía cạnh liên quan tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường khác của sản phẩm.
Các nhóm sản phẩm được áp dụng trước mắt bao gồm: Sắt, thép, nhôm, hàng dệt may, đồ nội thất, lốp xe, chất tẩy rửa, sơn, chất bôi trơn, hóa chất, sản phẩm liên quan đến năng lượng, sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông và các thiết bị điện tử khác.
Tuy nhiên, ESPR không áp dụng đối với một số nhóm hàng hoá, bao gồm: thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, thuốc thú y, thực vật sống, động vật, vi sinh vật, sản phẩm có nguồn gốc từ con người, sản phẩm từ thực vật và động vật có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh sản tương lai và phương tiện vận tải (nhưng có áp dụng đối với một số phương tiện vận tải thân thiện với môi trường như xe đạp điện).
Những yêu cầu chính về thiết kế sinh thái trong Quy định Ecodesign mới của EU bao gồm:
Độ bền và khả năng tái sử dụng của sản phẩm (Product Durability and Reusability): Sản phẩm phải được thiết kế để sử dụng lâu dài hơn và có thể tái sử dụng nhiều lần.
Khả năng nâng cấp và sửa chữa (Upgradability and Reparability): Các vật phẩm phải dễ nâng cấp và sửa chữa, kéo dài tuổi thọ sử dụng của chúng.
Quy định về chất (Substance Regulations): Hạn chế các chất ức chế tính tuần hoàn để đảm bảo sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên (Energy and Resource Efficiency): Sản phẩm phải sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả hơn.
Tái sản xuất và tái chế (Recycled Content and Recycling): Quy định về việc sử dụng vật liệu tái chế và thúc đẩy các hoạt động tái chế.
Dấu chân carbon và môi trường (Carbon and Environmental Footprints): Các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của sản phẩm đến môi trường và carbon.
Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số (Digital Product Passport - DPP): Yêu cầu thông tin để theo dõi thông tin xác thực về tính bền vững của sản phẩm.
Trong đó, đáng chú ý tại Quy định ESPR, EU giới thiệu công cụ Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số (Digital Product Passport - DPP). DPP cung cấp thông tin về yếu tố môi trường bền vững của sản phẩm và dễ dàng truy cập điện tử, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua sản phẩm, cải thiện tính minh bạch về tác động của vòng đời sản phẩm đối với môi trường.
Một số thông tin bắt buộc cung cấp trong DPP gồm: thành phần của sản phẩm; khả năng tái chế/sửa chữa; khả năng nâng cấp, tái sử dụng, tái sản xuất; khả năng tái chế; hiệu suất sử dụng năng lượng/nước/tài nguyên khác; hàm lượng thành phần tái chế; lượng khí thải carbon; lượng thải vi nhựa…
Các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu quan tâm có thể truy cập thông tin trong DPP qua dữ liệu như mã QR hiện trên sản phẩm/bao bì/thông tin đính kèm, đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định.
Những sản phẩm không có DPP sẽ không được phép lưu hành tại thị trường EU. Hàng nhập khẩu vào EU sẽ phải cung cấp DPP cho cơ quan hải quan xác minh trong quá trình làm thủ tục thông quan để lưu thông tự do trong khu vực.
Ngoài ra, một nội dung cần lưu ý đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành thời trang (dệt may, da giày) theo quy định ESPR là nghĩa vụ liên quan đến giảm lượng sản phẩm bị tiêu hủy và loại bỏ.
Quy định ESPR yêu cầu các công ty lớn công khai số lượng sản phẩm mà họ loại bỏ và tiêu hủy, bao gồm cách xử lý tiếp theo để chuẩn bị tái sử dụng, tái chế, đốt hoặc chôn lấp.
EC cũng sẽ đưa ra các lệnh cấm tiêu hủy một số sản phẩm, được nêu cụ thể tại Phụ lục VII của Quy định. Ở thời điểm công bố ESPR, Phụ lục này mới chỉ bao gồm quần áo, giày dép, phụ kiện và sẽ bổ sung thêm các sản phẩm trong tương lai.
Lệnh cấm sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2026 đối với doanh nghiệp lớn và từ năm 2030 đối với doanh nghiệp vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được miễn lệnh cấm. EC sẽ công bố các hành động triển khai cụ thể vào giữa năm 2025 để làm rõ phạm vi sản phẩm và cơ chế xác minh thông tin báo cáo.
Theo dự báo, lệnh cấm tiêu hủy hàng dệt may và giày dép không bán được sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại các hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp thời trang nhanh.
Bên cạnh những điểm đáng chú ý nêu trên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý những yêu cầu cụ thể đối với “các chất gây quan ngại” (Substances of concern - SoC)” tại Quy định ESPR; SoC tổng hợp những chất được EU coi là đáng quan ngại từ góc độ bền vững, đặc biệt gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc tái sử dụng và tái chế vật liệu, bao gồm những chất được quy định tại các luật khác của EU như: danh sách các chất có mức gây quan ngại rất cao (Substances of very high concern - SVHC) theo Đạo luật REACH năm 2006; các chất tại Quy định về Phân loại, Ghi nhãn và Đóng gói hóa chất năm 2008 (CLP) và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Persistent organic pollutants - POP) theo Quy định (EU) 2019/1021.
Tóm lại, ESPR là một quy định khung, vì vậy quy định thực thi cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm (Implementing Act) sẽ được giới thiệu và triển khai từng bước. Hiện tại, EU đang xây dựng quy định thực thi cụ thể mới đối với các nhóm sản phẩm và sửa đổi dần các quy định cũ. Quy định ESPR áp dụng với hầu hết sản phẩm lưu hành tại EU và trong vài năm tới sẽ mở rộng cho một số lượng các sản phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng.
Việc EU thông qua Quy định mới về thiết kế sinh thái được coi là một thành tựu mang tính bước ngoặt của khu vực này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thiết kế sản phẩm và tính bền vững, quy định này không chỉ khuyến khích các ngành công nghiệp áp dụng các hoạt động tuần hoàn mà còn trao quyền cho người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn xanh hơn.
Khi quy định này có hiệu lực, nó hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về tính bền vững, về cơ bản sẽ chuyển đổi cách sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm trên thị trường EU.
Để thích ứng với ESPR, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về Quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đáp ứng các yêu cầu mới, đặc biệt là các tiêu chuẩn về tính bền vững để xuất khẩu sang thị trường EU.
Theo:Tapchicongthuong.vn