Chủ tịch Việt Thắng Jean: 'Kỳ vọng Việt Nam sẽ là trung tâm thời trang của Châu Á'
8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 28,32 tỷ USD, tăng 6,19% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, các con số trên đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của ngành dệt may nói riêng và khu vực kinh tế tư nhân nói chung. Với riêng ngành dệt may, Việt Nam có nhiều điều kiện để trở thành trung tâm thời trang của khu vực.
"Việt Nam có đủ các điều kiện để trở thành trung tâm thời trang của khu vực"
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam có độ thích ứng cao, nhanh nhạy trước các diễn biến, đồng thời đang chuyển dịch mạnh mẽ để đáp ứng với nhiều đòi hỏi ngày càng khắt khe của các thị trường quốc tế. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Chia sẻ với phóng viên Doanh nhân Việt Nam nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean đã có những nhìn nhận và đánh giá về hành trình phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nhiều thập kỷ qua.
Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp ngành dệt may. Ảnh: Mai Trang
Doanh nhân Phạm Văn Việt nhớ lại: “Đến nay tôi đã tham gia vào vào hoạt động sản xuất kinh doanh gần 40 năm. Trong thời gian qua, trên thế giới gặp bất ổn về nhiều mặt, cả vấn đề chính trị và tài chính toàn cầu. Ví dụ như chúng tôi đang hoạt động trong ngành dệt may - thời trang thì hiện nay nhu cầu của thế giới đang giảm khoảng 5%.
Đối với Việt Nam, ngành này trong thời gian vừa qua cũng trải qua rất nhiều khó khăn, khủng hoảng. Tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tái cấu trúc, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và đã thích nghi được với tình hình sản xuất những đơn hàng nhỏ. Minh chứng là hiện nay cũng có một số thách thức do ảnh hưởng từ các hàng rào thuế quan và tình hình Bangladesh nhưng các doanh nghiệp từ các đối tác lớn đã quay lại thị trường Việt Nam".
Theo ông Việt, nếu như vài năm qua, sau khủng hoảng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp còn tồn hàng và đến năm ngoái vẫn tiêu thụ hàng cũ thì năm nay đã theo trend (xu thế), tiêu thụ hàng mới. Do đó những doanh nghiệp nào sản xuất hàng thời trang theo xu hướng thì đã có đơn hàng từ nay đến cuối năm.
"Như chúng tôi đã có đơn đặt hàng hết quý I/2025. Mục tiêu của chúng tôi từ tháng 6-7 tăng trưởng khoảng 10 - 15%, và trên thực tế tăng trưởng 14,6%. Với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của ngành dệt may trong năm nay, các doanh nghiệp đều hy vọng sẽ đạt được”, ông Việt chia sẻ thêm.
Hoạt động trong lĩnh vực thời trang, may mặc - một trong những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi sự thay đổi của thị trường, đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ một số quan điểm đề xuất giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngành: “Chúng tôi mong muốn chuyển từ công nghiệp dệt may sang công nghiệp thời trang. Việt Nam có đủ các điều kiện để trở thành trung tâm thời trang của khu vực, có thể hội nhập vào chuỗi thời gian của thế giới.
Hiện nay thế giới có 4 trung tâm thời trang là New York, London, Milan và Paris. Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ là trung tâm thời trang của Châu Á. Mà muốn đạt được điều này thì mong muốn Chính phủ, Đảng và Nhà nước sẽ hoạch định ngành thời trang trong 10, 15 năm nữa phát triển như thế nào, sẽ cho chúng tôi phát triển vùng nguyên liệu cho đến sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng đó. Bên cạnh đó là sự quan tâm đến đầu ra của sản phẩm.
Ngoài ra, chúng tôi đề xuất thành lập trung tâm thời trang, trong đó có chức năng chính là đào tạo con người, thiết kế xong bán thử và có các bảo tàng thời trang.
Đặc biệt, hoạch định chiến lược phát triển các thương hiệu thời trang mang tầm thương hiệu quốc gia, có độ nhận diện cao, từ đó gia tăng tỷ lệ chuyển đổi từ nhận biết thương hiệu sang sử dụng thương hiệu, tạo vị thế vững chắc, “xuất khẩu” thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế”.
Cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực, tự tin tạo ra những sản phẩm, mang thương hiệu quốc gia ra trường quốc tế
Theo ông Việt, trong giai đoạn vừa qua, không chỉ là các khó khăn trên thế giới mà doanh nghiệp còn gặp nhiều “điểm nghẽn” về dòng tiền và một số nút thắt chính sách. Thế nhưng ông cũng rất vui mừng khi các tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, đưa ra các giải pháp tháo gỡ cấp thiết, kịp thời.
Chiều 11/10 vừa qua, đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) đã vinh dự được yết kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024). Tham dự buổi yết kiến, ông Việt cho biết lúc trước khi gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các doanh nghiệp còn “e dè, do dự một số điều không dám nói”, thế nhưng người đứng đầu Nhà nước đã chia sẻ gần một tiếng cho đội ngũ doanh nhân tư nhân Việt Nam.
“Với tinh thần này thì chúng tôi đón nhận được một luồng khí thế mới và một tinh thần mới, một giải pháp mới. Tất cả doanh nhân có mặt trong hội trường đều phấn khởi và với tinh thần như thế thì tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, đội ngũ doanh nhân của Việt Nam chúng ta sẽ hết mình vì một đất nước Việt Nam phồn thịnh”, ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh.
Hồi tháng 10/2023, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đầu tháng 10 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp, doanh nhân và gần đây nhất là cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các doanh nhân tư nhân, điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Nhà nước với sự phát triển của doanh nghiệp.
Với cương vị lãnh đạo doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean chia sẻ: “Trong bối cảnh kinh tế với những khó khăn chung và Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhưng với tinh thần, lòng yêu nước sẵn có của người Việt Nam và đặc biệt là doanh nhân thì chúng ta đã vượt qua được thời gian đại dịch và giai đoạn khủng hoảng, xung đột của cả thế giới. Việt Nam đang tập trung vào xuất khẩu và tôi nghĩ rằng, qua những chính sách của Trung ương Đảng, cũng như Tổng Bí thư đã nêu lại là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, hay tinh thần đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ như Thủ tướng đã nói, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực, tự tin tạo ra những sản phẩm, mang thương hiệu quốc gia ra trường quốc tế.
Qua buổi tiếp xúc, chúng tôi cũng hoạch định các kế hoạch dài hạn. Từ nay đến năm 2030 sẽ thực hiện hoàn chỉnh những gì đang ấp ủ trong mỗi doanh nghiệp. Hoạch định trong thời gian dài hơn như trong 2030-2045 sẽ làm gì? Tôi nghĩ rằng với tinh thần như thế và với niềm tin vào các chủ trương, chính sách thì trong thời gian tới, các doanh nghiệp cũng sẽ vươn xa hơn và có những thương hiệu mạnh, mang tính quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Nguồn: Doanhnhanvn.vn