Theo đó, báo cáo cho rằng xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ đang gia tăng do hai nước này ngày càng tập trung vào xuất khẩu hàng may mặc giá trị cao, có cơ sở hạ tầng tốt hơn và đầu tư nước ngoài tăng lên. Và khi sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này trên đà suy yếu, các quốc gia khác - bao gồm Bangladesh, Việt Nam và Ấn Độ, đã mở rộng sự hiện diện trên thị trường hàng may mặc lớn nhất thế giới.

Cụ thể, thị phần hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tính theo giá trị USD đã giảm từ 37,7% (năm 2013) xuống còn 21,3% (năm 2023). Ngược lại, thị phần của Việt Nam tăng từ 10,0% lên 17,8%, trong khi Bangladesh tăng từ 6% lên 9% trong cùng thời kỳ. Đồng thời, thị phần của Ấn Độ cũng tăng từ 4% lên 5,3%, và thị phần của Pakistan tăng từ 1,9% lên 2,6%.

Báo cáo cũng lưu ý thêm rằng Bangladesh - quốc gia chuyên về hàng dệt kim cotton giá cả phải chăng như quần jean và áo phông, đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cạnh tranh với Việt Nam và Ấn Độ ở các phân khúc sản phẩm có giá trị cao. Và dù xuất khẩu của Bangladesh đã tăng trong thập kỷ qua, nhưng vẫn chỉ bằng gần một nửa so với Việt Nam, quốc gia giữ vị trí số 1 trong danh sách 10 quốc gia xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu sang Mỹ.

Theo đánh giá của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, Việt Nam đã trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường hàng may mặc nhờ có chính sách quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, sản xuất quy mô lớn và môi trường kinh doanh thân thiện.

Việt Nam còn “ghi điểm” với chi phí thấp, tính linh hoạt cao và khả năng tiếp cận thị trường nhanh chóng, được hỗ trợ bởi lực lượng lao động trẻ, đông đảo và cơ sở hạ tầng giao thông tốt. Bên cạnh đó, sự ổn định về kinh tế và chính trị cũng làm tăng sức hấp dẫn của quốc gia này so với các đối thủ cạnh tranh khác ở châu Á.

Trong khi đó, Campuchia cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ, với thị phần tăng từ 3,2% vào năm 2013 lên 4,3% vào năm 2023, nhờ vị trí gần Trung Quốc và Việt Nam và chi phí tìm nguồn cung ứng thuận lợi.

Với Ấn Độ, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, chiếm 32% trong tổng số 14,5 tỷ USD xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu của Ấn Độ trong năm 2023. Ấn Độ đã tăng từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 3 về xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ. Các nhà sản xuất hàng may mặc nước này cũng tập trung vào các mặt hàng có giá trị cao, chẳng hạn như các sản phẩm thêu tay và có sự tích hợp theo chiều dọc gần như hoàn chỉnh, với nguồn cung ứng hơn 90% nguyên liệu thô trong nước.

Dù thị phần hàng may mặc của Pakistan nhập khẩu vào Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong thập kỷ qua, nhưng báo cáo cho thấy rủi ro địa chính trị là lý do chính khiến nước này khó có thể trở thành nhà cung cấp lớn hơn cho thị trường Mỹ, bất chấp việc một số công ty lấy nguồn hàng từ Pakistan nói rằng các dịch vụ ở đây vẫn hoạt động tốt và không có thách thức nào về an ninh.

 
TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Business Standard)