Đơn hàng gia tăng, xuất khẩu dệt may nhiều hy vọng cán đích xuất khẩu 44 tỷ USD

Với những đơn hàng đã ký kết của quý III và đơn hàng đang thảo luận của quý IV, cho nhiều hy vọng về khả năng cán đích 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay, đạt được mục tiêu đặt ra.

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 ước đạt 28,32 tỷ USD, tăng 6,19% so với cùng kỳ 2023. Dự báo, xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, bởi theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Với những đơn hàng đã ký kết của quý III và đơn hàng đang thảo luận của quý IV, cho nhiều hy vọng về khả năng cán đích 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm nay, đạt được mục tiêu đặt ra.

Thuận lợi quý sau cao hơn quý trước

Đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM) đã và đang nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng Quý IV/2024 và khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024. Bên cạnh xuất khẩu những sản phẩm truyền thống, doanh nghiệp (DN) đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm thân thiện với môi trường, những sản phẩm tái chế và có giá trị cao, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Đơn hàng gia tăng, xuất khẩu dệt may nhiều hy vọng cán đích xuất khẩu 44 tỷ USD- Ảnh 1.

Nhiều DN dệt may đã có đủ đơn hàng đến hết năm 2024

Ngoài những thị trường truyền thống, TCM đang tiếp tục mở rộng khách hàng tại các thị trường còn nhiều dư địa, cũng như tìm kiếm và mở rộng khách hàng và các thị trường mới để gia tăng doanh thu xuãt khẩu, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa hiện tại và trong thời gian tới. Với dự báo tình hình xuất khẩu dệt may sẽ khả quan hơn vào các tháng cuối năm và căn cứ vào mức độ tiếp nhận đơn hàng, lãnh đạo TCM đang hy vọng sẽ đạt kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm này.

 

Điểm khác biệt lớn của ngành dệt may năm 2024 so với năm 2023 là sau mỗi quý kinh doanh, thị trường đã có sự chuyển biến thuận lợi hơn. Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - ông Lê Tiến Trường cho biết, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững, 6 tháng đầu năm, toàn ngành chỉ xuất khẩu được khoảng 20 tỷ USD. Tuy nhiên sau đó, trước những tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanma đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam.

“Đến tháng 7/2024, tín hiệu đơn hàng của các đơn vị trong ngành khá tích cực, Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó thị trường Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3% đứng đầu ở thị phần Mỹ và bằng với Trung Quốc. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 4,66 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ, nhưng tăng tới 8,3% so với tháng 7/2024, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay”, ông Trường thông tin.

Vẫn còn không ít thách thức

Hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô và tồn kho của các hãng thời trang đang cho những tín hiệu tích cực về đơn hàng 3 tháng cuối năm. Đây được coi như đảm bảo được một điều kiện cần để các DN duy trì hoạt động, giữ khách hàng, thị phần, thị trường cùng với lao động, đón cơ hội phát triển trở lại. Ở góc độ tài chính, cần nhìn nhận hiệu quả chưa được cải thiện bởi thực tế trong 3 quý của năm 2024, tuy đơn hàng dồi dào và tổ chức sản xuất tốt hơn, nhưng giá của từng đơn hàng chưa có cải thiện, thậm chí có những mã hàng còn thấp hơn cả năm 2023.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hoạt động sản xuất của ngành dệt may đang có chiều hướng phục hồi, khởi sắc tốt hơn khi hầu hết thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên, lượng tồn kho của các nhãn hàng đã giảm đi...

Dù đơn hàng dệt may đã phục hồi, song theo bà Mai, toàn ngành dệt may cũng đối mặt không ít thách thức khi đơn giá gia công còn rất thấp; đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu về thời gian giao hàng bị rút ngắn. Bên cạnh đó, phần lớn các thị trường xuất khẩu hiện nay đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng từ nguồn lao động cho đến tác động môi trường. Thách thức nổi cộm khác là quá trình chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh.

“Đây là xu hướng tất yếu nên các DN ngành dệt may buộc phải thay đổi để thích ứng bằng việc dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh. Điều này giúp tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh cho DN”, bà Mai lưu ý.

Đơn hàng gia tăng, xuất khẩu dệt may nhiều hy vọng cán đích xuất khẩu 44 tỷ USD- Ảnh 2.

Một số DN ngành dệt may gặp phải vấn đề thiếu hụt lao động

Thông tin từ nhiều DN dệt may cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay khó khăn lớn và phổ biến nhất của các DN chính là vấn đề thiếu hụt lao động, bởi trong năm 2023, nhiều DN ngành dệt may có xu thế thu hẹp sản xuất, một lượng lao động đã dịch chuyển khỏi ngành dệt may. Khi đơn hàng năm 2024 quay lại, các DN đều vấp phải khó khăn rất lớn trong tìm kiếm tuyển dụng lao động, dù đã nâng thu nhập cao hơn 15% so với năm 2022. Đặc biệt là ở ngành sợi, dệt, nhuộm phải làm việc 3 ca nên nguồn lao động thực sự là bài toán khó giải.

Chính vì vậy, các DN trong ngành cần tiếp tục hành động quyết liệt, nâng cao năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành được ổn định, đặc biệt là với các DN sản xuất nguyên liệu hiện vẫn đang phải đối mặt với tình hình khó khăn trong suốt 30 tháng trở lại đây.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

 
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/