Cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành dệt may – da giày
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may – da giày là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, dệt may và da giày là hai ngành hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam với kim ngạch XK luôn tăng trưởng qua các năm, mức tăng bình quân trên 10%/năm và tạo ra gần 5 triệu công ăn việc làm, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam. Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới và tạp chí World Footwear, Việt Nam là quốc gia XK da giày lớn thứ hai và XK hàng dệt may lớn thứ ba thế giới.
Cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch XK dệt may cả nước tháng 8 ước đạt gần 4,3 tỷ USD, đưa kim ngạch XK 8 tháng đầu năm lên mức 28,3 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành dệt may Việt Nam đang có cơ hội lớn cho phục hồi tăng trưởng và tạo nên cột mốc mới về XK trong năm 2024.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, 7 tháng năm 2024, XK toàn ngành da giày đạt 15,2 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,1%; túi xách đạt 2,35 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Dấu hiệu phục hồi XK với ngành da giày tốt dần lên từ cuối năm 2023 và khởi sắc rõ hơn trong những tháng gần đây. Hiện, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ký được hợp đồng XK cho cả năm 2024. Lefaso dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại và lượng đơn hàng DN đã ký kết, kim ngạch XK cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 24 tỷ USD và hướng tới mục tiêu XK đạt 26 - 27 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù, kim ngạch XK ngành dệt may, da giày chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, nhưng giá trị đóng góp của các DN trong nước vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy, ngành dệt may, da giày Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia công, khả năng tạo giá trị gia tăng thấp. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác.
Việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều quốc gia hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang đặt ra các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung. Điều này bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao. Việc áp dụng quy định về quy tắc xuất xứ nêu trong các Hiệp định thương mại tự do (như EVFTA) để mặt hàng dệt may, da giày tận dụng lợi thế về miễn giảm thuế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đang tác động lớn cho DN nội địa và DN FDI sản xuất hướng tới XK tại Việt Nam. Do đó, việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày là rất cần thiết.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, thách thức lớn nhất với ngành da giày lúc này là đáp ứng các quy tiêu chuẩn mới mà nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra, đó là tính bền vững trong sản xuất, yêu cầu về trách nhiệm xã hội... Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững, truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Những chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các DN trong ngành. Đáng lưu ý, EU là thị trường XK lớn thứ 2 của ngành da giày, chỉ sau Mỹ. Do đó, DN cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, đảm bảo trách nhiệm với xã hội và môi trường. Cùng với đó, để nâng cao tính chủ động trong tiếp nhận đơn hàng XK có giá trị cao là cải thiện khả năng cung ứng nguyên phụ liệu. Hiện, phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất XK được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, việc đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA để có ưu đãi thuế quan tốt cũng là một rào cản.
Để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững. Trong đó, giải pháp là xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương. Khi có trung tâm này, giúp các DN Việt Nam thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đối với ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi từ sản xuất gia công lên công nghiệp thời trang. Bởi cạnh tranh về giá không còn là mục tiêu và những yếu tố như nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ không còn là lợi thế lớn của Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất và chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may, đặc biệt là các DN sản xuất hàng XK sang các thị trường châu Âu, Mỹ có yêu cầu về xanh hóa sản xuất rất cao.
Theo ông Phạm Văn Việt, muốn xây dựng chuỗi cung ứng dệt – may trong nước, DN phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho tất cả các khâu, từ sản xuất nguyên liệu sợi - dệt, thiết kế, may và xây dựng thương hiệu một cách hoàn chỉnh.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, việc xây dựng Trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang là phù hợp với định hướng phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy. Dự kiến, Trung tâm sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, tập trung quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày trong nước và nước ngoài… Cục Công nghiệp đã làm việc với hai hiệp hội và cho ý kiến về việc hoàn chỉnh chi tiết Đề án thành lập Trung tâm như việc thống nhất tên gọi, vị trí, quy mô, hình thức, nguồn vốn, đánh giá tác động…
Để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, Bộ Công Thương cho rằng, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích lâu dài và bền vững hơn. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch, có như vậy mới giúp các DN trong ngành đặc biệt là các DN vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo và nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng của ngành.
Nguồn:Cand.com.vn