Thủ phủ công nghiệp Bình Dương ghi nhận kết quả kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng của năm 2024 cán mốc 22,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thành tích này không chỉ khẳng định vị thế của Bình Dương là trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam mà còn phản ánh khả năng thích ứng và phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp địa phương.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng Tám của Bình Dương tăng 6,04% cho thấy ngành sản xuất đang phục hồi ổn định đã tạo lực đẩy cho kim ngạch xuất khẩu.
Cũng trong thời gian qua, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 16 tỷ USD, tăng 12,7%, phản ánh nhu cầu nguyên liệu sản xuất cao, hỗ trợ tích cực cho chuỗi cung ứng. Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 225.000 tỷ đồng, tăng 12,6%, chứng tỏ sức mua trên thị trường vẫn rất vững vàng.
Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có kết quả tăng trưởng tích cực. Xuất khẩu gỗ trong 8 tháng đã lấy lại đà tăng với mức tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường chính, chiếm 71,1%, tăng 26,6%; tiếp theo là EU, Canada, Hàn Quốc và Australia. Dệt may cũng tăng 3,6%, với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản. Giày da tăng 9,4% trong khi máy vi tính, sản phẩm điện tử cũng ghi nhận đà tăng trưởng trở lại.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô nhận định năng lực xuất khẩu của Bình Dương có xu hướng phát triển tập trung vào các ngành hàng chủ lực như gỗ, dệt may, và giày da, đồ điện tử… Đơn hàng mới quay trở lại đã hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất đến hết năm. Đây là tín hiệu tốt cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, ngành xuất khẩu vẫn đối mặt với những thách thức lớn như chi phí logistics đang tăng cao do giá nhiên liệu biến động và tình trạng thiếu hụt container. Những yếu tố này không chỉ làm tăng chi phí đầu vào mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Công nhân tại một khu công nghiệp ở Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)
Theo ông Xô, để duy trì năng lực xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường và liên kết chuỗi cung ứng bền vững. Mặc dù đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải linh hoạt điều chỉnh chiến lược để thích ứng với những biến động không lường trước từ thị trường quốc tế, đặc biệt là rủi ro từ các chính sách bảo hộ thương mại.
Việc liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong nước và phát triển chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và ổn định giá cả sản xuất.
Để đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm còn lại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng logistics.
Các chính sách hỗ trợ và đồng hành nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng bắt nhịp và mở rộng thị trường. Tỉnh tập trung đơn giản hóa thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bình Dương cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng logistics nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Các dự án mở rộng cảng cạn, xây dựng kho bãi hiện đại và nâng cấp hệ thống giao thông kết nối với các cảng biển lớn đang được triển khai, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và giảm chi phí logistics.
Ngoài ra, tỉnh đã khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại quốc tế và xúc tiến thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là một trong những ưu tiên của tỉnh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.
Theo:Vietnamplus.vn