Đơn hàng mới đổ về, doanh nghiệp Việt hết cảnh 'ăn đong từng bữa'

Vượt qua giai đoạn khó khăn của những tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Việt đang có sự lạc quan với kinh doanh trong thời gian tới.

Các cuộc khảo sát từ các tổ chức quốc tế cũng chỉ ra, niềm tin về triển vọng kinh doanh tươi sáng hơn đang quay trở lại khi các doanh nghiệp Việt đang nhận được nhiều đơn hàng hơn, tăng tốc mở rộng kinh doanh và tập trung vào đầu tư xây dựng.

Qua giai đoạn "ăn đong từng bữa"

“Trong những ngày này, chúng tôi đang tăng tốc xây dựng 100 nhà máy cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà máy đều tự động hóa, hiệu quả kinh tế cao và được lấp đầy ngay sau khi hoàn thiện” - ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Hương lạc quan nói.

Các nhà máy của ông Chi chủ yếu phục vụ các nhà đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi đó, các nhà đầu tư Đài Loan ưa thích lực lượng lao động trẻ, ngày càng có tay nghề cao của Việt Nam, môi trường kinh doanh ổn định, chi phí lao động và xây dựng cạnh tranh, vị trí địa lý gần các thị trường nguồn và thị trường tiêu thụ, cùng sự tham gia tích cực vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo ông Chi, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, những hỗ trợ của Chính phủ đã không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

 
 doanh-nghiep-Viet-kinh-te-2024.jpg
 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã dần ổn định, có lợi nhuận trong nửa đầu 2024. Ảnh: Phương Minh

Không còn quá lo lắng như năm 2023 khi đơn hàng phải “ăn đong từng bữa”, hiện ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công đã có thể tính đến kế hoạch kinh doanh cho năm 2025, vì đơn hàng dệt may đã kín hết cho cả năm 2024.

Chưa hết, dệt may Thành Công cũng đang có hiệu suất kinh doanh hiệu quả, khi 6 tháng năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều vượt cùng kỳ năm 2023.

Ông Tùng cũng dự báo đến hết năm 2024, doanh thu sẽ đạt mục tiêu khoảng 158 triệu USD và lãi ròng gần 6,7 triệu USD, lần lượt tăng 12% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những nhận định của ông Chi và ông Tùng không đơn thuần cho đại diện của từng doanh nghiệp. Ở bối cảnh lớn hơn, các doanh nghiệp Việt đang có nhiều đơn hàng và nhiều thuận lợi kinh doanh hơn trong phần còn lại của năm 2024.

Báo cáo của S&P Global Market về Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã cho thấy điều này. Theo đó, trong tháng 7-2024, chỉ số PMI đạt 54,7 điểm, tốc độ tăng đơn hàng đã nhanh hơn so với tháng 6 trước đó. Điều này có nghĩa rằng, đơn hàng của doanh nghiệp Việt đang tăng mạnh.

 

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế S&P Global Market cho biết, các lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã có thể nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ của tháng 6 sang tháng 7-2024 đã làm tăng thêm sự lạc quan về một giai đoạn tăng trưởng tốt, giúp thúc đẩy nền kinh tế tiến về phía trước.

doanh-nghiep-Viet-kinh-te-2024-GDP-Viet-Nam3.JPGSố lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong thời gian tới đã củng cố niềm tin lạc quan kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quang Huy

Vấn đề chính đối với các công ty hiện nay, ông Andrew Harker chỉ ra phải theo kịp nhu cầu đặt hàng, chứ không còn lo lắng về đơn hàng thiếu hụt như trước đây. Do đó các nhà sản xuất sẽ cần tăng lực lượng lao động nhanh hơn và tiếp tục đảm bảo mua được nguyên liệu bổ sung nếu xu hướng hiện tại của các đơn đặt hàng mới được duy trì trong những tháng tới.

“Những kỳ vọng về việc số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong thời gian tới đã củng cố niềm tin lạc quan kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam”- ông Andrew Harker nhận định.

Quan tâm đến việc vươn ra thị trường quốc tế

Trong đợt khảo sát hàng trăm doanh nghiệp Việt mới đây, Ngân hàng UOB cho biết, hầu hết công ty đều rất lạc quan với triển vọng kinh doanh trong năm 2024. Họ tin rằng môi trường kinh doanh đang ngày càng tốt để duy trì đà tăng trưởng doanh thu. Nhiều công ty Việt hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, sản xuất và kỹ thuật đặc biệt quan tâm đến việc vươn ra thị trường quốc tế.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực logistics, hàng không, cảng biển, khu công nghiệp đang tăng trưởng nhanh.

Nguyên nhân, nửa đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ làm cho khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển của Việt Nam tăng lên.

doanh nghiệp ViệtSự tăng trưởng kinh tế Việt Nam tích cực nhờ động thái các cơ quan quản lý Nhà nước đang rất nỗ lực giải quyết các rào cản hành chính và quy định. Ảnh: Phương Minh

Xuất khẩu cao hơn đang khuyến khích dòng vốn FDI nhiều hơn. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20-7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,5 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia đều xây dựng nhà máy trong các khu công nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đang đẩy giá thuê khu công nghiệp lên cao, vì họ thường ít bị ảnh hưởng bởi giá thuê khu công nghiệp hơn so với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc hay nội thất. Điều này đang giúp các công ty quản lý khu công nghiệp của Việt Nam có hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

 

doanh-nghiep-Viet-kinh-te-2024-GDP-Viet-Nam1.JPGNhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực logistics, hàng không, cảng biển, khu công nghiệp đang tăng trưởng nhanh. Ảnh: Quang Huy

Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền tảng cho doanh nghiệp Việt phát triển ổn định và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn nhờ vào mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ khi ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn với nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ký quyết định thành lập ban chỉ đạo rà soát các quy định kinh doanh để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi cho rằng, những hành động mang tính kịp thời như vậy, chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp cả hiện tại lẫn tương lai” - bà Hồng Minh chia sẻ.

Nhận định rào cản để tìm giải pháp tháo gỡ

Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Việt Hương cho biết, kinh doanh lúc nào cũng khó nhưng quan trọng các doanh nghiệp phải linh hoạt trong chiến lược kinh doanh. Hiện Việt Nam có nhiều ưu thế để doanh nghiệp Việt phát triển, như lợi thế về các hiệp định thương mại tự do, thị trường nhiều phân khúc khai thác.

Điều quan trọng doanh nghiệp cần tăng cường cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cải tiến máy móc thiết bị, đầu tư mạnh vào công nghệ để gia tăng năng lực cạnh tranh

hinh-container-cang-bien_KGWB.jpgTheo chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp duy nhất. Ảnh: QH

Theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công, trong thời gian tới ngành dệt may vẫn được dự báo còn đối diện nhiều thách thức. Đó là nhiều quy định mới từ các thị trường xuất khẩu đưa ra, như thiết kế sinh thái, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, xây dựng năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, các yếu tố địa chính trị, lạm phát cũng có xu hướng tác động đến kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, để vượt qua các thách thức này, doanh nghiệp Việt cần chủ động trong việc quản lý năng suất, giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như cần có chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu xanh hoá.

hinh-cong-nhan-sg3.jpgDoanh nghiệp Việt chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, chiến lược phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu xanh hoá của thị trường. Ảnh: QH

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT Việt Nam lưu ý, các công ty cần phải chú ý đến bối cảnh lạm phát kỳ vọng tăng để điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Điều này có thể thực hiện thông qua tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu, thương lượng giá cả và điều kiện thanh toán tốt hơn với các nhà cung cấp để giảm chi phí đầu vào.

 

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh, doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp duy nhất. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và điều chỉnh giá bán hợp lý. Liên tục cập nhật và phân tích các xu hướng kinh tế, chính sách tài chính cũng như chuẩn bị các kịch bản dự phòng để ứng phó với các tình huống biến động của thị trường.

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/