Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 7 tháng năm 2024 ước đạt 23,64 tỷ USD, tăng 4,58% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt hơn 18,4 tỷ USD tăng 3,97%, xuất khẩu xơ sợi đạt 2,54 tỷ USD tăng 3,71%, xuất khẩu vải đạt 1,47 tỷ USD tăng 7,08%... Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 7 tháng ước đạt 14,22 tỷ USD, tăng 14,85% so cùng kỳ năm 2023.
Dự báo, xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, bởi theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng, riêng châu Âu đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất, chỉ 0,8%.
Nhận định về các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho rằng, nửa đầu năm 2024, 5 thị trường xuất khẩu chính của ngành đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ: Thị trường Mỹ đạt 7,4 tỷ USD (tăng 3,1%), châu Âu đạt 2 tỷ USD (tăng 0,8%), Nhật Bản đạt 1,97 tỷ USD (tăng 4,9%), Hàn Quốc đạt 1,65 tỷ USD (tăng 2,6%), Trung Quốc đạt 1,68 tỷ USD (tăng 4,6%).
Bên cạnh đó, còn có một thị trường mới đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD sau 6 tháng, đó là ASEAN. Cuối năm nay, có khả năng thị trường Canada cũng đạt 1 tỷ USD, bởi 6 tháng đã đạt 580 triệu USD. “Đến cuối năm, nhiều khả năng Việt Nam có 7 thị trường xuất khẩu có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD, trong đó, thị trường Mỹ vẫn phấn đấu đạt 15 - 16 tỷ USD trong năm nay”, ông Lê Tiến Trường nhận định.
Cũng theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đến tháng 7/2024, cùng với tình hình đơn hàng khá tích cực, Việt Nam là nước duy nhất trong 4 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó tại Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3%, bằng với Trung Quốc; Bangladesh giảm gần 1%, chỉ còn 9,8% thị phần; Ấn Độ đi ngang với 7% thị phần. Thị trường châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại khối này với khoảng 4,4%.
“Đến nay, đơn hàng tháng 8 cũng khả quan, dự kiến sẽ tốt hơn tháng 7. Tháng 9 là tháng giao mùa, có thể giảm hơn một chút. Đến tháng 10,11,12 đơn hàng dự báo sẽ tương đối dồi dào nhưng phụ thuộc rất nhiều vào biến động kinh tế vĩ mô của các nước”, ông Lê Tiến Trường nhận định.
Một điểm quan trọng nữa có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm là các hãng thời trang lớn có mức giảm tồn kho rất tích cực trong quý II/2024; đặc biệt, Nike giảm tới 11%, Levi’s giảm 7%. Kết quả kinh doanh và lợi nhuận của các hãng thời trang được cải thiện ở mức khá bền vững.
Hai hãng thời trang có mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật nhất là H&M với khoảng 49%, Uniqlo khoảng 36%. Lợi nhuận của các hãng thời trang tăng lên cũng hy vọng việc cải thiện giá đặt hàng của các nhà sản xuất, trong đó có nhà sản xuất của Việt Nam. Thực tế 7 tháng qua, tuy đơn hàng dồi dào, tổ chức sản xuất tốt hơn, nhưng giá của từng đơn hàng chưa cải thiện, thậm chí có những mã hàng còn thấp hơn cả năm 2023.
Trên nền tảng đủ hàng, phần lớn doanh nghiệp dệt may có hiệu quả tích cực hơn so với năm 2023. Ở góc độ quản lý, có đơn hàng được coi như đảm bảo một điều kiện cần để doanh nghiệp duy trì hoạt động, giữ khách hàng, thị phần, thị trường cùng với lao động, đón cơ hội phát triển trở lại.
Với quy mô xuất khẩu đứng thứ ba trên thế giới, sử dụng hơn 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng phải đạt từ 3,5 đến 4 tỷ USD, rõ ràng những ảnh hưởng của thị trường, kinh tế thế giới đến ngành xuất khẩu dệt may Việt Nam rất lớn. Trong bối cảnh thị trường biến động khó lường và nhanh chóng, sự tỉnh táo, không chủ quan và có chiến lược ứng phó với từng tình huống cũng là lưu ý được các chuyên gia đưa ra với doanh nghiệp dệt may trong nước để tránh rủi ro.
Theo:Congthuong.vn