Đơn hàng có, khó vì giá thấp
Báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy, 5 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ, khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD (Bangladesh tháng 5/2024 suy giảm mạnh 16%). Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cần nhìn nhận sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Cùng với đó, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi Việt Nam đồng (VND) mất giá 5% so với đồng USD kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD.
Có đơn hàng nhưng dệt may lại gặp khó vì giá thấp. Ảnh: Khắc Kiên
"Năm với ngành may nói chung và các doanh nghiệp may trong tập đoàn nói riêng, câu chuyện đơn hàng không quá khó. Các doanh nghiệp đủ đơn hàng từ những tháng đầu năm" - ông Cao Hữu Hiếu phân tích.
Đồng thời thông tin, trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đã có nhiều cải thiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết. Tuy nhiên, đơn giá vẫn thấp hơn 20%, thậm chí là 50% so với thời điểm trước đó.
Nguyên nhân được lãnh đạo Vinatex lý giải, có những doanh nghiệp vài nghìn lao động mà phải nhận cả những đơn hàng vài nghìn sản phẩm, giá rất thấp nhưng vẫn phải nhận. Mặt bằng giá mới được thiết lập tương đối thấp và sẽ tiếp tục trong năm nay.
Với ngành sợi, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chính như: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… đã tiệm cận mức hòa vốn, nếu tiết giảm được các chi phí trong sản xuất có thể đạt lợi nhuận. Trước tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã phải linh hoạt chuyển đổi sang các mặt hàng sợi pha, sợi recycle vốn không phải là thế mạnh để tìm hướng đi mới tại các thị trường ngách bên cạnh sợi cotton truyền thống.
6 tháng qua ngành sợi có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước, lỗ đã giảm khoảng 70 - 80%, nhưng vẫn còn. Còn giá bông liên tục thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, lên xuống thất thường.
"Giá bông lên, giá sợi chưa lên nhưng giá bông xuống là giá sợi xuống ngay. Bông phải nhập khẩu 3 - 4 tháng sau mới về đến kho để làm sản phẩm sợi. Doanh nghiệp làm sợi theo giá bông nhập khẩu ở thời điểm cách đó khoảng 3 - 4 tháng. Tuy nhiên, nếu ở thời điểm hiện tại giá bông đã xuống thì sợi sản xuất ra lập tức bị xuống giá theo" - ông Cao Hữu Hiếu nói.
Kiên trì đàm phán, linh hoạt giải pháp
Dự báo 6 tháng cuối năm, nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, kế hoạch cắt giảm lãi suất tại các thị trường này chưa rõ ràng, trong khi các quốc gia cạnh tranh dự kiến sẽ phá giá mạnh đồng tiền từ 15 - 20% để hỗ trợ xuất khẩu, giành lại thị phần. Do đó, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện. Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dù đối điện với khó khăn song các doanh nghiệp dệt may sẽ linh hoạt để đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Khắc Kiên
Theo ông Cao Hữu Hiếu, trước mắt Vinatex sẽ tiếp tục linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường, xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Thường xuyên theo dõi và cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vinatex cũng chủ động thích ứng với các tiêu chuẩn ESG và kinh tế tuần hoàn.
"Trong bối cảnh hiện tại, đối mặt với khó khăn về giá thấp của ngành may, không phải là doanh nghiệp chấp nhận làm lỗ. Khi đã có giá rồi, bằng mọi cách doanh nghiệp phải quản trị thật tốt để tăng năng suất, chất lượng và tiết kiệm chi phí, cố gắng tối ưu chi phí để có hiệu quả cao nhất" - lãnh đạo Vinatex nhấn mạnh.
Đó cũng là lý do hiện các doanh nghiệp đang đàm phán đơn hàng những tháng cuối năm, chủ yếu là muốn nâng giá lên. Điều quan trọng là kiên trì đàm phán để được giá tốt nhất trong điều kiện chi phí đầu vào tiếp tục tăng.
Từ tín hiệu đơn hàng của ngành dệt may, sợi, dệt nhuộm, ông Cao Hữu Hiếu dự báo năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may sẽ tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2023. Còn theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Mai, mục tiêu xuất khẩu khoảng 44 tỉ USD của dệt may Việt Nam trong năm nay là khả thi.
Để về đích năm 2024 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.900 tỷ đồng, bằng 101,63% so với năm 2023, lợi nhuận hợp nhất đạt 550 tỷ đồng, bằng 102,13% so với năm 2023, Vinatex linh hoạt, sáng tạo thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Bao gồm, bám sát các định hướng phát triển của Tập đoàn trong trung và dài hạn; nhìn nhận vị thế trong chuỗi cung ứng; minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển; phân tích kỹ lưỡng thông tin thị trường và đối thủ cạnh tranh, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh; đổi mới, sáng tạo và linh hoạt sản xuất để nắm bắt cơ hội và thích ứng thị trường.