Lợi thế cạnh tranh tại Mỹ của ngành dệt may Việt Nam vượt Trung Quốc và Bangladesh
Dự kiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung trong thời gian tới.
Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) vừa qua đã công bố khảo sát về so sánh lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ. Theo đó, Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh, cho thấy ngành dệt may Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh cao hơn.
Tuy nhiên, so sánh với khảo sát được công bố hồi năm 2020, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc giảm điểm trong khi các nước khác đang tăng dần báo hiệu Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức hơn trong trung và dài hạn.
Theo USFIA, khảo sát với các nhà cung cấp tại Mỹ cho thấy Mỹ đang có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc. Vì vậy, trong dài hạn, ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ chiếm dần thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
So với Bangladesh, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, và khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may Bangladesh chủ yếu sản xuất đại trà sản phẩm áo thun mẫu mã cơ bản.
Tuy nhiên, điểm số của Bangladesh đang có xu hướng tăng dần qua các năm nhờ sự cải thiện về khả năng sản xuất đa dạng các chủng loại sản phẩm hơn. Trên thực tế, giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh vào thị trường Mỹ cũng đang tăng dần, phản ánh rõ nét sự cải thiện năng lực cạnh tranh của nước này.
Bảng đánh giá lợi thế cạnh tranh ngành hàng dệt may của các quốc gia tại thị trường Mỹ. (Nguồn: USFIA, Chứng khoán Rồng Việt)
Đối với các nước khác như Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka thì Việt Nam đang có lợi thế nhờ tốc độ giao hàng nhanh hơn cùng với khả năng sản xuất linh hoạt. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các nước trên bắt kịp khả năng sản xuất đa dạng thì ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt với các thách thức.
So với Mexico, Việt Nam đang có mức điểm thấp hơn do vị trị địa lý ở xa. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Mexico trong ngắn hạn thấp do Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ và tay nghề sản xuất cao.
So với khối Cộng hòa Dominica – Trung Mỹ (CAFTA-DR) gồm 6 nước Trung Mỹ là Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua và Dominican Republic đang có điểm số cao hơn Việt Nam nhờ lợi thế về vị trí địa lý cũng như được miễn thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khả năng cạnh tranh của khối này thấp do quy mô dệt may nhỏ, chi phí công nhân cao cũng như phải nhập khẩu sợi, vải đầu vào từ châu Á làm khả năng sản xuất nhanh chóng thấp.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất và cung ứng.
Nhìn chung, khảo sát của USFIA cho thấy Việt Nam đang đứng đầu về khả năng sản xuất sản phẩm đa dạng và nhanh chóng nhờ đầu tư máy móc và tay nghề cao. Tuy nhiên, các nước khác có khả năng bắt kịp và lợi thế trên của ngành dệt may Việt Nam sẽ giảm dần trong dài hạn, theo nhận định của hãng Chứng khoán Rồng Việt.
Theo đó, Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM hoặc ODM để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững so với các nước khác.
Đối với xu hướng thay đổi nhà cung cấp từ Trung Quốc sang Việt Nam, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng xu hướng này sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kép trung bình năm (CAGR) cao hơn mặt bằng chung toàn cầu nhờ giành thêm được thị phần của Trung Quốc tại Mỹ.
Các doanh nghiệp dệt may có thị phần xuất khẩu sang Mỹ cao như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG) và Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã cổ phiếu MSH) sẽ được hưởng lợi từ xu hướng trên, theo Chứng khoán Rồng Việt.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn