Xuất khẩu dệt may Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong quý I/2024 đã khởi sắc trở lại sau năm 2023 nhiều biến động, khó khăn.

Các thị trường lớn tăng trưởng khá

Người lao động đưa tin, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng dệt may tính riêng trong tháng 3/2024 đạt 3,25 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả quý I/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tất cả thị trường xuất khẩu lớn của hàng dệt may Việt Nam đều tăng trưởng khá. Trong đó, xuất khẩu đi Mỹ đạt 3,42 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đạt 855 triệu USD, tăng 3,2%; Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch 1,02 tỷ USD, tăng 10,1%.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết tổng doanh thu của đơn vị trong 3 tháng đầu năm đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25,07% kế hoạch năm 2024. Riêng doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, doanh thu nội địa hơn 73,1 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Nhấn mạnh thị trường đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết nhiều đơn vị thành viên của tập đoàn đã nhận đơn hàng đến giữa năm nay. Theo ông, ngành dệt may đang kỳ vọng một năm thành công khi lạm phát giảm dần, sức mua cải thiện ở các thị trường trọng điểm.

Xu hướng thị trường - Xuất khẩu dệt may Việt Nam: Cơ hội và thách thức

 
 
 

Xuất khẩu dệt may là điểm sáng trong những tháng đầu năm 2024.

 
 
   
 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp đã khả quan hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên. Phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024.

Ông Giang lưu ý một tín hiệu đáng chú ý khác là nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada, Úc, khu vực châu Âu đã đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh. "Các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng", ông Giang cho hay.

Năm 2024 dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Đánh giá về những khó khăn, thách thức của ngành dệt may thời gian tới, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng những khó khăn về đơn hàng vẫn còn, thị trường đã phục hồi nhưng còn chậm, đi kèm với đó là chi phí đầu vào cao. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng còn rủi ro, xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn cũng đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng hóa xuất khẩu.

Còn nhiều thách thức

Trong những tháng đầu năm 2024, ngành dệt may ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc từ đơn hàng, thị trường. Tuy nhiên, trên bình diện chung, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt khi xung đột ở biển Đỏ kéo dài, căng thẳng Nga - Ukraine, cuộc chiến thương mại giữa các nước ngày càng phức tạp. Trong đó, đối với dệt may, áp lực về chi phí vận chuyển càng lớn hơn do căng thẳng ở biển Đỏ.

Bộ Công Thương cũng đánh giá kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro, thách thức và khó dự đoán. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023.

Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn, có nguy cơ lan rộng, tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc các nước quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới khắt khe hơn liên quan chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường.

"Các nước đa dạng hóa nguồn cung, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... Điều này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam" - Bộ Công Thương nhận định.

Công thương đưa tin, theo ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2024 chưa phải là năm sáng sủa mà còn chịu dư âm ảnh hưởng của năm 2023, rất nhiều khó khăn vẫn phải đối mặt.

Song áp lực lâu dài với ngành dệt may đó là những yêu cầu thay đổi lớn từ các thị trường. Đơn cử, thị trường EU đưa ra yêu cầu về thời trang bền vững, chiến lược dệt may bền vững, bắt đầu từ thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dệt may bền vững, thậm chí thải bỏ cũng phải bền vững tức là phải tái chế lại được. Ngay cả với hàng tồn kho, các thị trường lớn cũng yêu cầu phải tái chế lại chứ không tự tiện sử dụng như trước đây.

Ngoài ra, vấn đề lao động cũng là khó khăn lớn với ngành may trong năm 2024. Đơn hàng hiện nay không thiếu nhưng thiếu lao động. Bởi nửa đầu năm 2023 gần 80.000 lao động mất việc làm. Lao động về quê tìm việc và không quay lại nữa. Các địa phương cũng có chính sách tuyển dụng lao động đi hợp tác nước ngoài.

Thậm chí những chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội cũng tạo ra những biến động lao động. Cùng đó là các loại chi phí đầu vào sản xuất đều tăng như lương tối thiểu tăng… nhưng giá sản phẩm không tăng.

Để gỡ khó một phần cho doanh nghiệp, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cho rằng, Chính phủ đã đưa ra chính sách 120.000 tỷ đồng xây nhà ở xã hội cần đẩy nhanh để giúp lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài, điều này cũng gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, không cách nào khác phải bám sát thông tin thị trường, nắm bắt đúng thời điểm xuất nhập khẩu, điều hành sản xuất kinh doanh nhanh, gọn, linh hoạt và kiên quyết.

KHÁNH LINH ((t/h)

Nguồn:Người đưa tin

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/