Xuất khẩu dệt may khởi sắc

Ngành dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức buộc phải vượt qua để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024

Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong quý I/2024 đã khởi sắc trở lại sau năm 2023 nhiều biến động, khó khăn.

Các thị trường lớn tăng trưởng khá

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng dệt may tính riêng trong tháng 3-2024 đạt 3,25 tỉ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả quý I/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 tỉ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tất cả thị trường xuất khẩu lớn của hàng dệt may Việt Nam đều tăng trưởng khá. Trong đó, xuất khẩu đi Mỹ đạt 3,42 tỉ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đạt 855 triệu USD, tăng 3,2%; Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch 1,02 tỉ USD, tăng 10,1%.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết tổng doanh thu của đơn vị trong 3 tháng đầu năm đạt 1.128 tỉ đồng, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25,07% kế hoạch năm 2024. Riêng doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỉ đồng, doanh thu nội địa hơn 73,1 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Nhấn mạnh thị trường đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết nhiều đơn vị thành viên của tập đoàn đã nhận đơn hàng đến giữa năm nay. Theo ông, ngành dệt may đang kỳ vọng một năm thành công khi lạm phát giảm dần, sức mua cải thiện ở các thị trường trọng điểm.

Xuất khẩu dệt may là điểm sáng trong những tháng đầu năm 2024 Ảnh: MINH PHONG

Xuất khẩu dệt may là điểm sáng trong những tháng đầu năm 2024 Ảnh: MINH PHONG

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tình hình sản xuất của các doanh nghiệp đã khả quan hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên. Phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024.

Ông Giang lưu ý một tín hiệu đáng chú ý khác là nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada, Úc, khu vực châu Âu đã đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh. "Các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng" - ông Giang cho hay. 

Năm 2024 dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Đánh giá về những khó khăn, thách thức của ngành dệt may thời gian tới, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng những khó khăn về đơn hàng vẫn còn, thị trường đã phục hồi nhưng còn chậm, đi kèm với đó là chi phí đầu vào cao. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng còn rủi ro, xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn cũng đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng hóa xuất khẩu.

Nhiều thách thức và khó dự đoán

Trong những tháng đầu năm 2024, ngành dệt may ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc từ đơn hàng, thị trường. Tuy nhiên, trên bình diện chung, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt khi xung đột ở biển Đỏ kéo dài, căng thẳng Nga - Ukraine, cuộc chiến thương mại giữa các nước ngày càng phức tạp. Trong đó, đối với dệt may, áp lực về chi phí vận chuyển càng lớn hơn do căng thẳng ở biển Đỏ.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt bày tỏ lo ngại khi tình hình tại biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển tăng, làm lợi nhuận của doanh nghiệp thu hẹp. Trong bối cảnh đó, ông cho biết doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, như khai thác thị trường trong nước và quốc tế; đa dạng hóa mặt hàng, khách hàng; nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm mới, chất liệu mới...

Bộ Công Thương cũng đánh giá kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro, thách thức và khó dự đoán. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn, có nguy cơ lan rộng, tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc các nước quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới khắt khe hơn liên quan chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường.

"Các nước đa dạng hóa nguồn cung, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... Điều này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam" - Bộ Công Thương nhận định.

Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cũng nhìn nhận ngành dệt may còn đối mặt nhiều áp lực, trong đó có vấn đề về lao động. Để vượt qua các khó khăn, đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra, ông Giang cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng.

Bên cạnh đó, theo ông Giang, cần đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đáp ứng theo nhu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu hàng dệt may nói riêng, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường và việc thay đổi chính sách của các đối tác. Từ đó, đề xuất giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. 

Nguồn: Cafef.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/