Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết ngay trong quý 1/2024 những tín hiệu tích cực cho ngành đã bắt đầu xuất hiện khi các doanh nghiệp đang đón nhận được nhiều đơn hàng.
ĐƠN HÀNG DẦN TRỞ LẠI
Theo số liệu của Vitas, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên, đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã ký được đơn hàng đến hết quý 2/2024, thậm chí một số đơn vị đã có đơn hàng đến quý 3/2024.
Ngành sợi cũng đón nhận nhiều thông tin tích cực khi có nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết sau 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 1 tăng 30%. Đây là mức tăng khá khả quan so với tình hình thị trường năm 2023.
Theo ông Trường, ngành dệt may đang nhìn về một tương lai tương đối sáng sủa hơn khi nền kinh tế Mỹ việc làm ổn định, lạm phát giảm dần, châu Âu cũng có nhiều tín hiệu tốt dần lên.
“Chúng tôi đang hy vọng tổng thể năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu của ngành khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước", ông Trường lạc quan.
Nếu xét về đơn hàng, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng đến 6 tháng đầu năm. Đơn cử như Công ty CP dệt may Huế, đơn hàng xuất khẩu đã có đến tháng 6/2024, trong đó tỷ lệ đơn FOB chiếm hơn 50%. Thậm chí đơn hàng ngành may còn đang vượt quá năng lực sản xuất của doanh nghiệp này tại Nhà máy May 4 và chi nhánh Quảng Bình.
Đơn hàng của May Đáp Cầu cũng đã ký đến giữa quý 3/2024. Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (thuộc Tổng công ty May 10) cho biết, bình quân mỗi tháng đơn vị xuất đi 120.000 sản phẩm. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã đạt doanh thu 273.303 USD và đang nỗ lực để sớm hoàn thành mục tiêu.
Dù đơn hàng về các doanh nghiệp đã khá lên, tuy nhiên ông Lê Tiến Trường cho rằng mặt bằng giá chưa thực sự tốt, các thị trường chưa có sự điều chỉnh về giá nên doanh nghiệp đang ký kết đơn hàng ở khoảng ngắn để lựa chọn thời điểm chốt đơn hàng với mặt bằng giá tốt hơn.
Mức giá hiện nay chỉ cải thiện 3-5% so với năm trước là chưa nhiều. Tín hiệu vui là hàng tồn kho ở các thị trường lớn, các hãng phân phối lớn, các tập đoàn, siêu thị đều suy giảm vì thế nhu cầu cần phải tái đặt hàng cho mùa tới đây hy vọng ở mức cao hơn.
VẪN CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HỖ TRỢ
Tín hiệu vui là vậy, song ngành dệt may vẫn tiếp tục đối diện với không ít những khó khăn, thách thức mới từ căng thẳng chính trị, hàng rào kỹ thuật, chi phí đầu vào, rủi ro lãi suất… Để tìm cơ hội trong thách thức, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may trong nước đạt 44 tỷ USD trong năm 2024, các doanh nghiệp dệt may đang tiếp tục chuyển trọng tâm dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.
Các giải pháp tối ưu được doanh nghiệp đưa ra đó là: Tập trung đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực; đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng; thường xuyên cập nhật tình hình thị trường và thông tin về các nguồn nguyên liệu đầu vào như bông, xơ cho các đơn vị với chu kỳ mỗi tháng một lần để các đơn vị có thể định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh...
Đại diện Công ty Cổ phần May KLW Việt Nam (tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, để hoàn thành kế hoạch năm, Công ty tiếp tục tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và giữ chân lao động.
Cụ thể, công ty sẽ tiếp tục tăng cường nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm để mở rộng phạm vi khách hàng; tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện năng suất và giảm chi phí sản xuất; tiếp tục duy trì quan hệ với các thị trường thế mạnh như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản; hợp tác với các đối tác chiến lược, các nhà máy vải và phụ liệu để tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ sản xuất.
Còn theo lãnh đạo Vinatex, sau 1 năm kinh doanh khó khăn, nhiều đơn vị dệt may làm ăn thua lỗ, hiệu quả tài chính không có. Năm 2023 ngành sản xuất sợi và một phần sản xuất may của cả thế giới thua lỗ. Nếu áp dụng các giải pháp thông thường về tài chính để tài trợ vốn cho vận hành như cũ thì các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn này. Có cơ hội phục hồi nhưng không có nguồn vốn hỗ trợ, cụ thể là vốn lưu động để nhập khẩu nguyên liệu, tổ chức sản xuất thì cơ hội phục hồi sẽ đi qua và chúng ta không nhận được các đơn hàng này.
Do đó, ông Trường cho rằng xét trên bình diện toàn thế giới, ngành dệt may có khó khăn nhất là ngành sản xuất nguyên liệu, vì vậy cần có chính sách đặc thù cho họ để họ vượt qua năm 2024, trước hết là chính sách tiếp cận vốn, vẫn đảm bảo được nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp đủ để tiếp nhận các đơn hàng mới khi họ phục hồi.
“Đây chính là cách để họ phục hồi trở lại, sản xuất với hiệu suất cao, nhờ đó họ quay trở lại thực hiện các trách nhiệm với ngân hàng đầy đủ hơn, nếu giảm thì họ không đủ năng lực để thực hiện nghĩa vụ ngắn và dài hạn”, ông Trường nhấn mạnh.
Nguồn: Vneconomy.vn