Doanh nghiệp dệt may, da giày lo ngại vì giá USD tăng cao
Những ngày qua, tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) tại các ngân hàng liên tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ngại.
Căng thẳng Biển Đỏ chưa hạ nhiệt, những ngày qua, tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) tại các ngân hàng liên tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ngại; trong đó, các doanh nghiệp dệt may, da giày cũng không ngoại lê.
Ngày 5/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 24.038 đồng. Với biên độ +/-5% đang được áp dụng, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.239 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.836 VND/USD. Giá USD hôm nay hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể tại Ngân hàng BIDV niêm yết 25.785 - 25.095 đồng/USD, so với đầu tuần tăng 120 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Về giá USD tăng tác động đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như thế nào, các chuyên gia cho rằng, với doanh nghiệp vay nợ bằng USD, các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chêch lệch tỷ giá hối đoái.
Điều này kéo theo sự thay đổi làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp vay USD. Tuy nhiên, tùy vào doanh nghiệp cụ thể nếu phát sinh doanh thu từ USD hoặc hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác từ đó đối ứng nhằm cân bằng khoản lỗ chêch lệch tỷ giá.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD sẽ gặp khó khăn khi USD tăng giá, đồng thời giá cả của các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tăng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp nhập khẩu. Trong khi đó, những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu như dệt may, da giày sẽ hưởng lợi từ chêch lệch tỷ giá khi USD/VND tăng.
Ông Bạch Thanh Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, ngành dệt may nhìn chung dưới áp lực của tỷ giá sẽ nhận tác động 2 chiều, bởi phần lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài sau đó gia công xuất khẩu. Vì vậy, biến động tỷ giá sẽ ít làm thay đổi kết quả kinh doanh. Tỷ giá USD/VND tăng sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá trị thu được khi xuất khẩu, giúp doanh nghiệp có lợi bù đắp một phần chi phí mua nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào trong ngành dệt may cũng được hưởng lợi. Nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên phụ liệu lại rất bất lợi bị bội chi về chi phí khi tỷ giá tăng; chưa kể đến các chi phí khác như vận tải, vay nợ USD… Bình thường, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá trị hàng xuất khẩu.
Nhưng mặt trái là đẩy tăng chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, cũng như lãi lỗ từ chênh lệch tỷ giá. May 10 hiện nay xuất khẩu tới hơn 10 thị trường, như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga… Dù có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8 năm nay nhưng những biến động tỷ giá gần đây có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Theo ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Trung Quy, là doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu bằng tiền USD và xuất cũng bằng USD nhưng chênh lệch mua - bán đồng USD cũng khiến doanh nghiệp mất một khoản. Mức này dù thấp hơn các đơn vị chỉ chuyên nhập khẩu nhưng cũng ảnh hưởng khi doanh nghiệp kinh doanh đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Giá USD tăng không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp da giày cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều doanh nghiệp da giày cho rằng, tỷ giá tăng, chi phí nhập khẩu nguyên liệu sẽ bị đội lên đáng kể.
Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh lý giải, thông thường khi giá USD tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, da giày sẽ thu được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, thực tế thì không phải công ty nào cũng sẽ hưởng lợi, nhất là những doanh nghiệp nhỏ.
Bởi rất nhiều doanh nghiệp của ngành da giày chỉ đang thực hiện gia công cho các hãng ngoại. Đơn giá cho một đôi giày nữ mấy năm qua hầu như không thay đổi, vẫn xoay quanh khoảng 10 USD/đôi; trong đó, 80% là giá nguyên phụ liệu và phần còn lại là tiền công của doanh nghiệp.
Do vậy giá USD tăng thì doanh nghiệp cũng chi ra gần hết khi mua nguyên phụ liệu và phần còn lại thu về là không đáng kể.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, thực tế khi tỷ giá tăng sẽ có những biến động trái chiều, nhưng đa phần sẽ khiến doanh nghiệp lo lắng. Đồng USD tăng giá giúp doanh nghiệp xuất khẩu thu được lợi hơn. Nhưng doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu cho sản xuất thì sẽ bị bội chi về phí nhập khẩu; chưa kể đến các chi phí khác như vận tải, vay nợ bằng USD…
Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh. Đây là tình trạng chung với doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Ngoài ra, bà Xuân cũng nhận định, cả với nhiều doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể. Do đó các doanh nghiệp chỉ mong tỷ giá ổn định là tốt nhất vì sẽ không có những xáo trộn trong hoạt động kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày cho rằng mỗi khi lãi suất giảm thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan điều hành cần có những biện pháp phù hợp để ổn định tỷ giá.
Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, tỷ giá đang được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, giữ ổn định. Song nếu đồng USD tiếp tục tăng giá so với đồng VND thì có thể tạo ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Phần lớn hiện nay hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Cùng đó, nhiều mặt hàng trong nước cũng phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về sản xuất. Điều này lâu dài sẽ giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước cho hay, với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có khả năng sẽ bắt đầu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2024, áp lực thị trường quốc tế có thể từng bước giảm bớt, đồng USD quốc tế có thể hạ nhiệt cùng với lộ trình hạ lãi suất của Fed.
NgThời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, đảm bảo tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo mục tiêu đặt ra là sự ổn định, đảm bảo ngoại tệ luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.