Bán hàng ra thế giới ngày càng khó
Có lẽ cụm từ xuất thô, làm gia công không còn được ưa chuộng với những nhà mua hàng thế giới. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tạo ra sản phẩm xanh hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.
Từ nhiều năm nay, ngành dệt may Việt Nam luôn bị đánh giá là “gia công”. Tuy vậy, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đang đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải chào mẫu thiết kế, thay vì cách làm như trước đây là họ cung cấp sẵn mẫu để chúng ta gia công.
Qua rồi thời làm hàng giá rẻ
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, DN này cũng đang chú trọng tới việc nhắm vào những phân khúc hàng có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, sản phẩm cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về xanh hóa. Xanh hóa là con đường bắt buộc chứ không phải là việc DN có muốn hay không. Trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của May 10 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải được hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường.
|
Dệt may dần qua thời kỳ làm gia công.
|
Vì vậy, trong khoảng 3 năm nay, DN May 10 đã triển khai bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng. Thêm vào đó, đầu tư nhiều vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái. DN đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm từ tái chế, từ thiên nhiên để đảm bảo tỷ trọng xuất xứ nguyên liệu từ sợi trong cấu thành của sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng.
Với ngành tiêu, bà Lê Thị Mai, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh, cho biết đến thời điểm này, DN đã ký kết đơn hàng với các khách hàng tại EU đến hết tháng 9/2024. Hiện, DN đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng để có thể kịp giao các đơn hàng tháng 3 này với khối lượng xuất khẩu từ 500 - 600 tấn.
Tuy vậy, bà Mai cho hay, nếu như trước đây, DN chủ yếu tập trung phân khúc thị trường thấp cấp và trung cấp như Ấn Độ và Trung Đông thì khoảng 5 năm trở lại đây, DN đầu tư nhà máy đạt những chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như BRC, Halal, FDA, ISO, HACCP, FSMA… Với quy trình sản xuất khép kín từ khâu thu gom, sơ chế nguyên liệu đạt chuẩn đến quá trình sản xuất thành sản phẩm có chất lượng cao xuất khẩu… DN hướng đến vào tệp khách hàng xuất khẩu chất lượng cao như Mỹ, EU.
Theo ông Trần Ngọc Quân, tham tán Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, EU, do quy mô thị trường Bỉ nhỏ, các DN, hệ thống phân phối chủ yếu nhập gạo Việt Nam từ các đầu mối nhập khẩu lớn của Pháp và Hà Lan. Các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa quan tâm đến việc xuất khẩu gạo sang thị trường Bỉ.
Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gạo sang Bỉ với tổng trị giá 56,3 nghìn Euro (theo số liệu của Eurostat). Đây là con số rất nhỏ bé so với tiềm năng thị trường Bỉ nhập khẩu 500 triệu Euro hàng năm từ các nước trên thế giới.
Hiện tại, Việt Nam và EU đang trao đổi về danh sách gạo thơm được nhập vào EU theo Hiệp định EVFTA với mức thuế ưu đãi hơn. Nếu ngoài mức thuế EVFTA, gạo Việt Nam sẽ cạnh tranh hạn ngạch thuế quan chung so với các nước.
Tuy nhiên, EU quan tâm rất lớn đến việc quản lý chất lượng nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là dưới 0,01mg/kg và các nhà nhập khẩu và nhà quản lý thường kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Do vậy, ông Quân khuyến cáo, DN xuất khẩu gạo vào EU cần đặc biệt quan tâm đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tại Bỉ, năm 2021, khi làm thị trường cho gạo ST25, DN Bỉ đã phải thu hồi vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là 0.017mg/kg.
Cuộc chơi xanh hóa
Theo Bộ Công Thương, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... với thương mại).
Đáng lo ngại, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét và đang định hình lại các hình thức, loại hình dự án FDI trên toàn cầu.
Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các DN Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới…
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban IV, DN Việt Nam đặc biệt là các DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng việc áp dụng thực hành ESG để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Hiện, trật tự thế giới mới gắn với năng lực số, năng lực xanh đang dần hình thành. Quốc gia nào chậm chân sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều quốc gia đối tác quan trọng với Việt Nam đã ban hành các quy định về phát triển bền vững và thực hành ESG, ví dụ CMAM, EUDR của châu Âu hay dự luật Cạnh tranh sạch của Mỹ.
“Có DN xuất khẩu trên 60 quốc gia và hiện nay những đòi hỏi về ESG của họ ngày càng cao. Nếu DN không đáp ứng được thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, dù trước đây hai bên có thân tình thế nào”, bà Thủy nói.
Theo đó, Giám đốc Ban IV khuyến nghị, nếu DN cứ bàng quan thì sẽ không thể bơi ra quốc tế, không thể đi vào được các thị trường khó tính ở nước ngoài. Nếu chúng ta không có sự chuyển động, thực hành ESG để phù hợp với diễn biến quốc tế thì nhiều cơ hội của DN sẽ bị đóng cửa.
Hơn nữa, "bên cạnh thách thức thì đây còn là động lực với các DN Việt khi ESG giúp tăng lợi nhuận, tăng doanh thu vì chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp, tích hợp các tiêu chí bền vững, chi phí gọi vốn thấp hơn khi các công cụ nợ có tích hợp yếu tố bền vững đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra môi trường làm việc có mục tiêu, cải thiện sự gắn kết của nhân viên", bà Thủy đánh giá.
Nguồn:Vnbusiness.vn