Thời trang ‘xanh’ từ những nguyên liệu thiên nhiên và tái chế

Không chỉ là những bộ sưu tập đầy dấu ấn sáng tạo và cập nhật xu hướng thế giới, thời trang Việt Nam đang dần tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững với việc tôn vinh nguồn nguyên liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là xu hướng xanh hóa của ngành dệt may Việt Nam, nếu không thay đổi có thể mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Biến bả cà phê, tre, bạc hà, sơ dừa… thành thời trang cao cấp

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối Thời trang (Faslink) cho biết, hành trình đưa vải sợi cà phê gần hơn với thời trang Việt Nam của Faslink khởi đầu từ năm 2017 khi hợp tác nghiên cứu cùng Singtex - đơn vị cung cấp vải sợi "xanh" hàng đầu tại Đài Loan (Trung Quốc), để ra mắt sản phẩm áo sơ mi cà phê đầu tiên trên thế giới và thương mại hóa tại Việt Nam. Giai đoạn 2021 - 2023 là thời kỳ phát triển của vải sợi S.Café® khi Faslink liên kết với các đối tác dệt may nội địa, ứng dụng rộng rãi nguồn vải sợi S.Café® cho các sản phẩm vớ, jeans, quần tây…

Chú thích ảnhTạp dề của Faslink được làm từ vải sợi S.Café® được nhãn hãng cà phê nổi tiếng Starbucks đặt hàng.

Khát vọng lớn hơn, tận dụng lợi thế xuất khẩu thứ 2 thế giới và tiêu thụ hơn 2,5 triệu túi cà phê của Việt Nam, Faslink hướng đến mục tiêu sử dụng nguồn nguyên liệu bã cà phê nội địa để sản xuất vải sợi cà phê trong nước thông qua việc hợp tác với các viện nghiên cứu uy tín, thực hiện các thử nghiệm nghiêm ngặt để mang lại giá trị bảo vệ sức khoẻ cho người dùng. Tính đến nay, công ty đã cung ứng gần 3 triệu sản phẩm từ vải sợi cà phê cho hơn 40 nhãn hàng thời trang như: Owen, Yody, Coolmate, Routine...

“Nuôi dưỡng từ tình yêu sâu đậm với cà phê của người Việt, chúng tôi trân quý những giá trị mà hạt cà phê mang lại cho nền kinh tế và cuộc sống của người Việt Nam. Vì vậy, hơn 15 năm qua, chúng tôi không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm đa dạng nguyên liệu mới tạo nên hơi thở mới cho cho ngành thời trang xanh, bền vững và phát triển những ứng dụng mới nhất của vải sợi S.Café®, tạo nên “cuộc sống mới” cho cà phê trong ngành thời trang”, bà Trần Hoàng Phú Xuân chia sẻ thêm.

Trong khi đó, Santino - thương hiệu thời trang nam cao cấp được thành lập từ năm 2014, luôn đưa tới tay người tiêu dùng Việt những bộ sưu tập (BST) thời trang làm từ chất liệu bền vững và an toàn cho người dùng. Trong nhiều năm trở lại đây, đứng trước sự báo động của ngành công nghiệp dệt may, nhãn hàng thời trang Santino bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng "xanh hóa", tức là dần loại bỏ những chất liệu trong thời trang nhanh như làm từ nhựa, chất tổng hợp mà thay thế bằng chất liệu từ thiên nhiên như sợi tre, lá dứa, cà phê, ngải cứu, bạc hà...

Chú thích ảnhCông thức để tạo ra sợi vải từ bả cà phê.

Năm 2021, nhãn hàng Santino lần lượt cho ra mắt hàng loạt BST dựa trên vải sợi tre, sợi coolmax eco... cho các dòng áo sơ mi, áo phông và quần âu công sở. Đây được coi là một bước đi táo bạo, đánh dấu hành trình xanh hóa thời trang của nhãn hàng này.

Ngoài Faslink, Santino, một vài thương hiệu khác cũng sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên để thiết kế thời trang như: Dòng Dòng - sản xuất balo, ví tiền... từ việc thu mua, tái chế bạt cũ; SHOEX - giày làm từ bã cà phê; Re.sock - tất làm từ rác thải nhựa… Có thể thấy, nhiều nhà thiết kế tâm huyết đã tạo ra các thương hiệu thời trang sử dụng các chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, dễ phân hủy hoặc các chất liệu từ việc tái chế rác thải mang lại chất lượng cho người sử dụng và thể hiện sự tôn trọng đối với môi trường.

Cần chung tay phát triển thời trang “xanh”

Theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch cao nhất cả nước. Tuy nhiên, để giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, cần có sự chung tay của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam do năm 2024, doanh nghiệp may mặc của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chú thích ảnhHublot đã bắt tay với thương hiệu cà phê viên nén cao cấp Nespresso tạo nên chiếc đồng hồ “Big Bang Unico Nespresso Origin” đặc biệt, có giá khoảng 25.000 USD.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), nguyên nhân là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sẽ áp dụng hàng loạt những biện pháp rào cản thương mại như: Cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), cơ chế CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) và Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...

Tất cả các quy định trên đã tạo ra những rào cản thương mại lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vì mọi quy tắc trên bắt buộc cho ngành dệt may xuất khẩu phải lấy thời trang bền vững làm định hướng phát triển thay vì thời trang nhanh, rẻ như trước đây. Như vậy, cạnh tranh thị trường xuất khẩu hiện nay không chỉ dừng ở yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng mà tiêu chí phát triển bền vững lại là yếu tố then chốt, đặc biệt là tại các thị trường lớn như EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

 
Chú thích ảnh Thời trang của nhà thiết kế Nguyễn Hùng Bảo với ý tưởng từ cánh sen trên nền nguyên liệu sợi sen.

Chẳng hạn, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Như vậy cho thấy, mặc dù dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được vào 104 thị trường, lãnh thổ nhưng để có đơn hàng và giành được lợi thế cạnh tranh thì doanh nghệp buộc phải chuyển đổi sang quy trình sản xuất phát triển bền vững.

Nắm bắt xu thế trên, mới đây, Faslink đã ký kết hợp tác với Công ty Singtex triển khai dự án thu gom bã cà phê tại Việt Nam theo tiêu chuẩn của Singtex, với mục tiêu tạo ra các sản phẩm dệt may bền vững từ cà phê Việt Nam. Theo biên bản ghi nhớ, cả 2 sẽ cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành may mặc và thời trang Việt Nam thông qua công nghệ vải sợi S.Café®.

Ông Jason Chen, Tổng Giám đốc, Nhà sáng lập Singtex, chia sẻ: “Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới và tiêu thụ hơn 2,5 triệu túi cà phê mỗi năm, lượng bã cà phê bỏ đi là rất lớn. Tại sao các bạn không sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hợp lý nhất để vừa mang lại kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Vì thế, tôi hy vọng sự cộng hưởng này không chỉ mang lại thời trang xanh bền vững mà còn tạo ra nhiều giá trị khác biệt, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp dệt may và nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm thời trang bền vững cho người tiêu dùng Việt”.

Chú thích ảnhNhững tính năng từ vải sợi cà phê.

Theo VITAS, thời trang “xanh” được phát triển từ các nguồn nguyên liệu thiên nhiên và những “rác thải” được tái chế là phù hợp với xu hướng phát triển của ngành thời trang thế giới. Không chỉ thế, những sản phẩm làm từ các nguyên liệu trên có ưu điểm vượt trội như thoáng khí, mát mẻ và dễ dàng giặt sạch mà không cần sử dụng chất tẩy rửa mạnh.

Chỉ tính riêng sợi vải từ bả cà phê, trên thế giới, theo thống kê mỗi tháng có khoảng 100 phất vải pha từ sợi vải cà phê được sản xuất để cung cấp cho những thương hiệu thời trang nổi tiếng như: Puma, Nike, Hugo Boss… Còn tại Việt Nam, với lợi thế là nguồn cung cà phê hàng đầu thế giới, ngành sản xuất sợi vải cà phê cũng ghi nhận sự phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/