Nhà máy dần thêm đơn hàng
Các nhà máy hoạt động trong tình trạng không đủ công suất gần như cả năm vừa qua. Hiện nay, Công ty cổ phần Đầu tư – Thương mại – Dệt may Thành Công (TCM) gần như đã chạy hết công suất trở lại khi đã nhận khoảng 98% đơn hàng cho quí 1 và bắt đầu đón nhận những đơn hàng của quí 2-2024.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT của TCM, cho biết tình hình đơn hàng sản xuất đã có sự cải thiện những tháng gần đây. Ông Tùng tin rằng năm nay tình hình sẽ tốt hơn năm 2023, số lượng đơn hàng có xu hướng tăng dù không mạnh mẽ như sau đợt dịch Covid-19 và giá chưa thực sự tốt.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là Mỹ, thường chiếm hơn 50% kim ngạch. Do đó, theo ông Tùng, sự phục hồi của ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG gần đây cũng cho biết, tình hình đơn hàng của công ty tăng trở lại. Những đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho nên công ty đã ký được các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều nhãn hàng như Decathlon, Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…
Đơn hàng lớn sản xuất với các đối tác lớn đến nay TNG đã kín đến giữa năm. Đáng chú ý, kết quả kinh doanh cho thấy khá thuận lợi khi trong tháng đầu năm nay, TNG lãi sau thuế hơn 15 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Điều này có thể dự báo một năm kinh doanh tốt hơn.
Không riêng 2 doanh nghiệp nói trên, trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtex), cho biết sau thời gian thu hẹp sản xuất hoặc phải đóng cửa vì thiếu đơn hàng của năm ngoái, khoảng 60% doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 6 tới.
Tương tự, về phía quản lý sản xuất công nghiệp trên địa bàn TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, cũng chia sẻ nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến giữa năm. Thậm chí, một số doanh nghiệp hiện đã có hợp đồng xuất khẩu đến cuối năm.
Không riêng doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cụng cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng vừa qua đạt 3,13 tỉ đô la Mỹ, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8% so với tháng cuối cùng của năm 2023.
Nhưng kỳ vọng phục hồi chưa rõ ràng
Với những kết quả ban đầu nói trên trên có thể thấy những tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện với ngành dệt may Việt Nam để có thể kỳ vọng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, tăng khoảng 4 tỉ đô la so với năm ngoái trở thành hiện thực.
Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng còn quá sớm để lạc quan ngành tăng trưởng trở lại trong bối cảnh thị trường quốc tế vẫn còn biến động. Trong đó đáng chú ý là những thách thức mới từ “hàng rào kỹ thuật” của các nước nhập khẩu, xung đột địa chính trị tại một số nước trên thế giới gia tăng và cạnh tranh giữa các nước có thế mạnh ngày càng gay gắt.
Theo đánh giá gần đây của SSI Research, triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Ngành dệt may vẫn còn đối diện nhiều thách thức. Ảnh minh họa: L. Hoàng
Dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở Mỹ và châu Âu đều đang có xu hướng giảm xuống. Trong tháng 11-2023, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của Mỹ ở mức 4,1%, thấp hơn mức trung bình dài hạn là 8,8%.
“Việc lạm phát ở mức cao (theo giá trị tuyệt đối) cũng khiến cho giá trị các khoản tiết kiệm này bị giảm xuống. Đi cùng với môi trường kinh tế khó khăn, khiến mức chi tiêu không thiết yếu sẽ có phần hạn chế trong năm 2024”, các chuyên gia phân tích của SSI Research nhận định.
Hiện nhiều thương hiệu thời trang và nhà cung cấp trên thế giới cũng đưa ra nhận định “không chắc chắn” về triển vọng thị trường trong năm 2024.
Các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng thấp và cạnh tranh gia tăng. Do đó, theo SSI Research, các thương hiệu thời trang có thể sẽ phòng thủ trong kinh doanh. Điều này khiến các nhà cung cấp sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn hơn khi nhu cầu đơn hàng giảm xuống và tạo hiệu ứng trên cả chuỗi cung ứng.
Đáng chú ý là dù đơn hàng hiện có tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chủ yếu mang tính nhỏ lẻ. Theo nghiên cứu của Quỹ đầu tư VinaCapital công bố gần đây, đơn hàng cho ngành dệt may Việt Nam năm nay sẽ tích cực hơn năm 2023 nhưng các đơn hàng lại bị chia nhỏ và theo hình thức giao gấp nhiều hơn, thay vì kế hoạch nhập hàng từ 6-12 tháng như trước.
Trong đó, nhu cầu từ Mỹ – thị trường lớn nhất sản phẩm ngành này Việt Nam còn yếu sẽ kìm hãm quá trình phục hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ngoài ra, một số nhà cung cấp đang chuyển nhà máy đến các nước có nhân công rẻ hơn, đặc biệt là Bangladesh. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh về giá đối với các đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo khảo sát của các nhà bán lẻ lớn, mặc dù Việt Nam được đánh giá cao hơn Bangladesh về chất lượng và năng lực sản xuất, nhưng Bangladesh có lợi thế về chi phí, thuế và các khoản trợ cấp của chính phủ (từ hải quan đến trợ cấp lãi suất).
Trao đổi với KTSG Online sau chuyến khảo sát hiện trạng sản xuất của ngành dệt may Bangladesh, Giám đốc điều hành Công ty may mặc Dony Phạm Quang Anh cho biết, nhờ phí nhân công thấp nên giá thành sản phẩm may mặc cùng loại làm ra của nước này thấp hơn của Việt Nam khoảng 15%. Doanh nghiệp dệt may ở quốc gia này cũng đẩy nhanh thực hiện “xanh hóa”, yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu và nhãn hàng thời trang thế giới đặt ra.
Bangladesh cùng với Việt Nam là hai quốc gia nổi bật trong gia công may mặc. Ảnh: TL
Các chuyên gia trong ngành còn chỉ ra rằng dệt may còn phải đối diện với hai thách thức lớn. Đầu tiên là hiệu suất khai thác các nhà máy ở trong nước của Trung Quốc vẫn còn thấp nên về chính sách vĩ mô họ sẽ tăng cường sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu.
Áp lực từ chênh lệch tỷ giá chỉ là một trong số thách thức ngành dệt may phải vượt qua ở năm nay. Bởi lẽ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Chartered Bank… đều đang đưa ra dự báo đồng Euro, bảng Anh, yên Nhật đều lên giá so với đồng đô la Mỹ trong năm 2024. Đồng Việt Nam vì vậy cũng khó có xu thế giảm giá mạnh so với đồng đô la Mỹ.
Ngành còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ “hàng rào kỹ thuật” của các quốc gia nhập khẩu, nhãn hàng thời trang. Đó là việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược “thời trang bền vững”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU…
Các doanh nghiệp trong ngành cũng nhận định, nếu năm 2023 là một năm “bất ổn” do các yếu tố chính trị và kinh tế thì năm 2024 được dự báo là một năm “bất định”, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Với tỷ lệ xuất khẩu chiếm hơn 80% tổng giá trị sản xuất, dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới.
Môi trường kinh doanh nhiều thay đổi, áp lực cạnh tranh ngày càng cao trong khi các lợi thế về chi phí của Việt Nam đã không còn như trước. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu, sáng tạo các giá trị mới để duy trì thị trường và khách hàng.
“Đơn hàng có quay trở lại nhưng chưa đạt được như sự kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp làm những đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp và người lao động chưa quay lại guồng làm việc như thời điểm trước dịch”, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch AGTEK nói.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, nhiều doanh nghiệp chấp nhận “hy sinh” lợi nhuận, ưu tiên quyền lợi người lao động, tiếp đến là cổ đông… Giữ chân người lao động không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.
Nguồn: Thesaigontime.vn