Lắng nghe người dân hiến kế: Phát triển dệt may theo kinh tế tuần hoàn

Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may đang có định hướng chiến lược chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu khách quan đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là những nền kinh tế lớn, như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Không nằm ngoài xu hướng này, Việt Nam cũng đang trong quá trình tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng. Đối với ngành dệt may, hướng tới kinh tế tuần hoàn cũng là một chiến lược trọng tâm.

Cần đầu tư bài bản, nguồn lực lớn

Thực tế cho thấy giai đoạn phát triển nhanh của ngành dệt may Việt Nam đang dần trôi qua. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trên thế giới, đang phát triển mạnh ngành này, như: Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka...; đồng thời đang đứng trước các cơ hội và thách thức thực hiện 16 Hiệp định Thương mại thế hệ mới. 

Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may đang có định hướng chiến lược chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Từ năm 2030-2045, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế tái tạo.

Thực hiện định hướng chiến lược đó, dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam bình quân sẽ tăng từ 5%-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030. 

Dự báo đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt 68%-70 tỉ USD; dự kiến đạt mức tăng từ 2%-3%/năm trong giai đoạn từ 2031-2045 và năm 2045 đạt khoảng 95%- 100 tỉ USD.

 

 

Để thực hiện mục tiêu nói trên, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải phát triển bền vững, qua việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Yêu cầu này cũng là góp phần quan trọng thực hiện cam kết quốc tế mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải ròng, chống biến đổi khí hậu, cam kết Net Zero vào năm 2050, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng sản phẩm tái chế. Tuy nhiên, đây là hướng đi đòi hỏi cần có sự đầu tư bài bản, nguồn lực lớn. 

Một số giải pháp

Kinh tế tuần hoàn đang có bước chuyển biến ban đầu tại Việt Nam, vì vậy, cần có sự thay đổi nhận thức từ lãnh đạo tỉnh, sở ngành và người dân, đặc biệt cán bộ quản lý và công nhân trong các doanh nghiệp dệt may, tìm hiểu kỹ những thách thức và cơ hội khi đổi mới hoạt động kinh doanh sang mô hình tuần hoàn để từ đó có hành động cụ thể về triển khai kinh tế tuần hoàn trong cả hệ thống.

Tiếp theo, cần có chính sách cụ thể, phù hợp, sát thực tiễn, khuyến khích doanh nghiệp dệt may đầu tư vào kinh tế tuần hoàn. Về cơ chế và chính sách, nổi lên hàng đầu là hoàn thiện môi trường pháp lý bao gồm ban hành đầy đủ, đồng bộ và kịp thời các văn bản pháp lý theo hướng khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Đặc biệt, các văn bản pháp lý thể hiện đầy đủ các cam kết zero carbon vào năm 2050, cam kết thực hiện chống biến đổi khí hậu, về sử dụng năng lượng tái tạo và thực hiện nội luật hóa các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có lĩnh vực dệt may.

Cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp dệt may đầu tư vào kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, có gói tín dụng ưu đãi theo 2 phương án: Thứ nhất, thông qua các ngân hàng thương mại, cho vay với lãi suất ưu đãi, tương đương lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án, các hạng mục kinh tế tuần hoàn, kinh tế tái tạo. 

Thứ hai, hình thành một chương trình tín dụng mới bằng việc cho vay kinh tế tuần hoàn đối với các doanh nghiệp dệt may và mở rộng cho các doanh nghiệp da giày. Chính phủ hằng năm cân đối riêng nguồn vốn tín dụng cho chương trình này. Ưu điểm của giải pháp này là tập trung tín dụng ưu đãi vào một đầu mối, thuận tiện cho quản lý ngân sách, quản lý quyết toán vốn ưu đãi.

Cuối cùng, cần có các bước triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của các doanh nghiệp dệt may để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các dự án kinh tế tuần hoàn. 

Đặc biệt, phải có bước đi thích hợp, tập trung vào những khâu doanh nghiệp có thế mạnh, thuận lợi dễ triển khai, đòi hỏi vốn đầu tư chưa lớn. Ví dụ, xây dựng hệ thống tuần hoàn nước, hệ thống điện áp mái sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống phun nước làm mát mái phân xưởng vào mùa hè, trồng cây xanh, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm điện. 

Ngoài ra, chủ động đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội giữa chi phí bỏ ra và hiệu quả thu được; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bằng chứng, truy soát nguồn gốc trong các sản phẩm may mặc xuất khẩu. 

Nguồn: Người lao động.

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/