Năm 2023, do gặp nhiều khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nhiều doanh nghiệp Việt tìm hướng đầu tư phát triển sâu hơn nữa ở thị trường “sân nhà”.
Đơn cử, năm vừa qua Tổng Công ty Đức Giang - CTCP đã cho ra mắt bộ sưu tập HERADG, với chất liệu được sử dụng từ sợi tự nhiên thân thiện môi trường như tơ, lụa, poplin, vải recycle… Cùng với một loạt các thương hiệu thời trang khác như S.PEARL, Paul Downer, DGC, Forever Young, sản phẩm thời trang của May Đức Giang ngày một có chỗ đứng trên thị trường.
Hay như với Tổng Công ty May 10- CTCP, sản phẩm thời trang công sở của doanh nghiệp ngày một được người tiêu dùng biết tới. Tự tin với sức cạnh tranh của sản phẩm May 10 trên thị trường, ông Hoàng Thế Nhu- Phó Tổng Giám đốc May 10 cho hay: May 10 tập trung vào chất lượng, thẩm mỹ sản phẩm bằng cách đầu tư vào đội ngũ thiết kế. Hiện May 10 có mạng lưới đội ngũ hơn 10 nhà thiết kế sáng tạo được đào tạo rất bài bản, sau đó đầu tư kiểm soát nguyên liệu đầu vào để phù hợp với thị trường Việt Nam.
|
Thị trường dệt may nội địa: Miếng bánh không dễ ăn. Ảnh Thu Hường |
Cùng với đó, May 10 triển khai các giải pháp nâng cao dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng, tăng trải nghiệm của khách hàng qua công nghệ số. Khi tìm các sản phẩm, khách hàng có thể trải nghiệm thông qua ứng dụng 3D trước khi chọn kiểu cách, màu sắc… trước khi cùng ra quyết định. “Trong quá trình sử dụng sản phẩm, khách hàng có thể phản hồi các thông tin cập nhật nhanh và đó là giải pháp May 10 tạo niềm tin, uy tín của doanh nghiệp”, ông Hoàng Thế Nhu cho biết.
Dù đầu tư bài bản và có chiến lược, tuy nhiên việc phát triển thị trường nội địa là rất khó với doanh nghiệp dệt may trong nước. Quy mô thị trường không lớn, cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu nước ngoài là những nguyên nhân quan trọng.
Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam từng chia sẻ, quy mô thị trường dệt may nội địa của Việt Nam chỉ xung quanh mức 5 tỷ USD - con số quá nhỏ so với năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong ngành.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu nội địa và nhãn hiệu thời trang nước ngoài đã và đang sử dụng nhiều nền tảng công nghệ để phân phối tại Việt Nam, khiến tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường nội địa. Hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài như Giovanni, Mango, Zara, H&M, Uniqlo, Warehouse, Topshop, CK, Nike, và Levi’s đã thâm nhập thị trường Việt và đang có kế hoạch mở rộng thêm cửa hàng.
Năm 2023 cũng là năm chứng kiến sự mở rộng số lượng cửa hàng của một vài thương hiệu lớn tại Việt Nam, tiêu biểu như Uniqlo. Hiện tại với 8 nhà máy cùng 240 ngàn công nhân sản xuất sản phẩm của Uniqlo ở Việt Nam, hàng Uniqlo xuất xứ Made in Việt Nam đã cung cấp cho 2.400 cửa hàng của Uniqlo trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, mặc dù triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa, năm 2023 Uniqlo đã mở thêm được 7 cửa hàng mới để nâng tổng số cửa hàng của hãng này ở Việt Nam lên 22 cửa hàng.
Tổng Giám đốc của Uniqlo ở Việt Nam, ông Osamu Ikezoe cho biết: Trong 3 năm phát triển, với số lượng cửa hàng trực tiếp cũng như cửa hàng trực tuyến, chúng tôi đã đạt được mục tiêu thâm nhập và mở rộng tại thị trường Việt Nam. Thành tích này là động lực thúc đẩy sự mở rộng cửa hàng mới trong thời gian tới để thỏa mãn nhu cầu mạnh mẽ của khách hàng.
Bên cạnh đó, cửa hàng của H&M hiện tại đã có mặt ở 5 tỉnh thành phố lớn nhất của Việt Nam với hơn 12 cửa hàng. Năm ngoái, thương hiệu này tập trung đầu tư thêm vào cửa hàng trực tuyến. Cuối năm 2022, thương hiệu cho giới trẻ từ Hàn Quốc, MLB đã mở liên tiếp 3 cửa hàng lớn ở TP. HCM và Đà Nẵng. Hiện tại, thương hiệu đã mở được 18 cửa hàng trên toàn quốc.
Các thương hiệu thời trang nước ngoài có lợi thế cả về thương hiệu nổi tiếng lâu đời, về vốn, nguồn nhân lực, công nghệ cũng như kinh nghiệm thị trường so với thương hiệu công ty nội địa. Tâm lý “chuộng đồ ngoại” của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt cũng là một ưu ái đối với thương hiệu ngoại.
Bên cạnh cạnh tranh với các thương hiệu thời trang nước ngoài, theo ông Hoàng Vệ Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang – CTCP khó khăn trong phát triển thị trường dệt may nội địa còn có thiết kế, nguyên liệu và tiêu thụ là ba khâu khó như nhau, đều cần tập trung vốn đầu tư để giải quyết.
Bên cạnh những doanh nghiệp có định hướng và chiến lược rõ ràng, phát triển thị trường nội địa được doanh nghiệp dệt may trong nước coi là “cứu cánh” khi thị trường xuất khẩu khó khăn.
“Doanh nghiệp kết nối với nhau để triển khai đơn hàng nội địa nhưng thực tế thị trường trong nước vẫn khó khăn vì lạm phát, sức mua thấp. Đó là giải pháp bù đắp chung cho sản xuất chứ không phải là định hướng”, ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Nguồn:Congthuong.vn