Ngành dệt may sôi nổi khí thế sản xuất ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, lãnh đạo Vinatex đề nghị các đơn vị tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa lao động gián tiếp, xem xét lại khâu đầu tư đảm bảo hiệu quả cao hơn và đáp ứng tiêu chí Xanh.

Ngay sau những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), công nhân, viên chức lao động đã bắt tay vào sản xuất, tạo khí thế ngay từ ngày làm việc đầu Xuân.

Tăng tốc ngay từ đầu năm

Là đơn vị đầu tàu của ngành dệt may với khoảng 12.000 lao động, trong ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, Tổng Công ty May 10 đã tổ chức lễ khai xuân đầu năm với mục tiêu phát triển sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, phát triển thị trường và đưa thời trang Việt “xuất ngoại”.

Năm 2023 đi qua, dù thị trường còn nhiều khó khăn, nhưng May 10 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, tổng doanh thu của May 10 đạt 4.248 tỷ đồng, tăng 1,15% so với kế hoạch, đạt 90,92% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 123 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kế hoạch, đạt 81,86% so với năm 2022; thu nhập bình quân đạt 9.250.000 đồng/người/tháng. Doanh nghiệp đảm bảo đời sống và không một người lao động nào phải nghỉ việc, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội...

Theo đại diện Vinatex, nếu không tính năm 2020 đại dịch COVID-19 khiến cho toàn thế giới “đóng cửa” thì 2023 là năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam giảm xấp xỉ 10%.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết năm 2024, với khẩu hiệu và quyết tâm “chọn việc khó" để làm, ngay từ những ngày đầu Xuân Giáp Thìn Ban lãnh đạo Tổng Công ty May 10 cùng tập thể hơn 12.000 người lao động trước sự chứng kiến của Đảng ủy khối doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã quyết tâm năm 2024 hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, tập trung phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, Xanh hóa trong sản xuất, khẳng định trách nhiệm của nhà sản xuất với người tiêu dùng trong việc cung cấp cho thị trường những sản phẩm có nguồn gốc thân thiện môi trường.

“May 10 sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đảm bảo thu nhập cho người lao động, an sinh xã hội,” ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 nhấn mạnh.

 

Để đạt được mục tiêu cao nhất trong năm 2024, May 10 tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng; Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn và hợp lý; Tập trung công tác phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh...

chuc-tet-4.jpegChủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex Lê Tiến Trường tặng quà biểu trưng năm Giáp Thìn 2024 cho lãnh đạo Tổng Công ty May 10. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn tại Công ty Đức Giang (Dugarco), không khí làm việc cũng khẩn trương ngay từ những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dugarco cho biết với những yêu cầu về đơn hàng trong bối cảnh mới, việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mẫu là một trong những yêu cầu bắt buộc và Dugarco Creative là một trong 5 trung tâm phát triển sản phẩm mẫu mà Đức Giang đã triển khai trong toàn bộ hệ thống.

"Năm 2023, mặc dù sản lượng tăng 3% nhưng đơn giá lại rất thấp dẫn tới hiệu quả không cao. Ban lãnh đạo Tổng Công ty cũng đã phải tính toán, cân nhắc và triển khai các biện pháp để cân bằng hiệu quả và lợi nhuận và tiếp tục duy trì trong năm 2024 với tinh thần quyết liệt và mục tiêu tăng trưởng bền vững. Trong đó, tập trung vào duy trì giá vốn thấp để đảm bảo hiệu quả và lợi nhuận khi thị trường liên tục đảo chiều," lãnh đạo Dugarco thông tin.

Sẵn sàng vượt qua thách thức

Năm 2023, doanh nghiệp dệt may đã trải qua nhiều khó khăn chưa có tiền lệ. Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU… suy giảm mạnh trong năm 2023 do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.

 

Thống kê cho thấy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các thị trường chính đều giảm, như tại thị trường Mỹ giảm 19%, EU giảm 14%. Ngoài ra, ngành Dệt May Việt Nam còn chịu bất lợi về tỷ giá, chi phí lao động cao hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho hay năm 2023 khi những tín hiệu xấu từ thị trường xuất hiện, quan điểm trong điều hành Tổng Công ty là giữ ổn định việc làm dù không có tăng trưởng, do đó toàn bộ hệ thống với hơn 16.000 lao động của Tổng Công ty đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động.

Tuy doanh thu một số đơn vị bị giảm tới 20%, nhưng thu nhập của người lao động vẫn được giữ vững năm 2022, đạt 11 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, năng suất lao động được tăng lên nhờ vào chiến lược đầu tư chiều sâu để bù đắp cho đơn giá gia công giảm, thực hành tiết kiệm tối ưu hóa lợi nhuận.

“Năm 2024, thị trường còn nhiều biến động khó lường, Hugaco sẵn sàng đón nhận cả những thách thức và tín hiệu tốt, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị rủi ro khi thị trường đảo chiều. Nhưng với tinh thần của Hugaco đã xây dựng từ các thế hệ đi trước, Tổng Công ty sẽ tiếp bước và không ngừng “vượt khó để hoàn thành thắng lợi,” ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.

167A6503.JPGDệt may đáp ứng các tiêu chí Xanh để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Định hướng hoạt động năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị các đơn vị tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa lao động gián tiếp, xem xét lại khâu đầu tư đảm bảo hiệu quả cao hơn, đáp ứng tiêu chí Xanh.

 

Trong giai đoạn khó khăn cần hoạt động với năng lực thấp để bảo toàn lực lượng chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để phục hồi nhanh chóng khi có cơ hội, tìm ra những điểm cần cải thiện trong hệ thống, xác định những hoạt động kém hiệu quả, tăng cường năng lực về máy móc thiết bị và con người.

"Để vượt qua thử thách, con đường duy nhất của toàn hệ thống Vinatex là kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đoàn kết để có thể đề ra và triển khai mọi hoạt động một cách linh hoạt, nâng cấp hệ thống với định vị mới phù hợp với diễn biến của thị trường và phù hợp với định hướng cung cấp trọn gói sản phẩm thời trang Xanh của Vinatex,” ông Cao Hữu Hiếu cho hay./.

(Vietnam+)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/