Hầu hết các thị trường giảm nhu cầu
Trong suốt cả năm 2023, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng tại hai thị trường chủ lực là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khiến sức tiêu thụ sản phẩm thời trang giảm mạnh, kéo theo số lượng đơn hàng giảm sâu, từ đó đẩy kim ngạch xuất khẩu của hai lĩnh vực này vào thế khó khi cả 2 đều không đạt theo kế hoạch dự kiến.
Nhìn lại bức tranh của ngành dệt may năm qua, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định rằng, năm 2023 là năm khó khăn nhất trong lịch sử hình thành tập đoàn (29 năm), kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành thì cũng không đến nỗi khó như năm 2023. “Đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm tới gần 10%. Thậm chí, nhiều đơn vị dệt may khó khăn kéo dài 18 tháng...”, ông Hiếu bày tỏ.
Tương tự với ngành da giày, những khó khăn cũng đeo bám dai dẳng trong suốt cả chặng đường dài của năm 2023.
Bước sang năm 2024, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Theo nhận định của Vinatex, các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam đang là một điểm đến an toàn sẽ là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam.
Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, với cơ sở từ bài học của năm 2023 và các dự báo của năm 2024, Vinatex đặt ra 5 kiên định - kiên trì trong thông điệp năm 2024. Bao gồm kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất - phân phối lớn trên thế giới. Kiên định xây dựng nội tại tập đoàn mục tiêu chiến lược là một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh.
Cùng với đó, Vinatex còn kiên định thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty; Kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định; kiên trì công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ.
Xác định năm 2024 vẫn sẽ là năm nhiều thách thức tiềm ẩn với các doanh nghiệp, do đó “kiên cường - dũng cảm - sáng tạo - đoàn kết” sẽ tiếp tục là từ khoá cho mọi hoạt động của doanh nghiệp trong tình hình mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới, như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 1/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…”, ông Hiếu bày tỏ.
Tương tự dệt may, ngành da giày cũng đã đi qua năm 2023 không bình lặng. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày năm 2023 đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022, khi chỉ đạt gần 24 tỷ USD, trong khi mục tiêu mà ngành này đặt ra từ đầu năm 2023 là kim ngạch xuất khẩu hướng đến con số 27 triệu USD. Gần như suốt 9 tháng đầu của năm 2023, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng nghiêm trọng, lên tới 30-50% đối với các thị trường truyền thống, đặc biệt hai thị trường chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam là Hoa Kỳ và EU đã lần lượt giảm 35% và 13%.
Nắm bắt thông tin để chủ động thích ứng
Mặc dù không đạt như kỳ vọng nhưng Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đánh giá, kết quả này là khả quan so với thực tế khó khăn của ngành trong thời gian qua.
Cho biết năm 2024 được dự báo vẫn là năm đầy khó khăn, thách thức với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Lefaso nhận định, chính sách thương mại tại những thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày đang thay đổi nhanh chóng. Chính bởi vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần phải có sự nắm bắt thông tin, thích ứng với các chính sách từ thị trường nhập khẩu để có những kế hoạch hoạt động, chiến lược phát triển phù hợp.
Theo bà Xuân, đến thời điểm này, phát triển bền vững không phải là chủ đề mới, muốn tồn tại và tham gia vào chuỗi cung ứng, bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất phải tuân thủ những yêu cầu này. Bên cạnh đó, thách thức tới từ việc các chi phí đầu vào ngày càng gia tăng là sức ép lớn đối với các doanh nghiệp.
“Ngành da giày vẫn có những lợi thế, kỳ vọng phát triển, điều đó thể hiện qua việc ngành da giày cũng tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Việt Nam có những chính sách cởi mở để hỗ trợ cho việc phát triển của ngành, cũng như sở hữu nguồn lao động dồi dào, kỹ năng tốt. Đặc biệt, ngành da giày Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu, uy tín tại các thị trường, trong đó có nhiều thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU...”, bà Xuân kỳ vọng.
“Thị trường EU đã đưa ra một loạt chính sách mới về sản phẩm sinh thái, cũng như trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, tái chế, đặc biệt yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon... Tất cả những quy định này nhằm tăng chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành. Song những chính sách này tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng, tạo ra thách thức cực kỳ lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam”, bà Xuân đánh giá, đồng thời cho rằng, để tuân thủ các quy định mới, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp ngành da giày nói riêng phải nâng cấp rất nhiều nhằm củng cố năng lực nội tại. Câu chuyện nâng cấp bắt đầu từ công nghệ, quản lý, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động và đặc biệt là phải nắm bắt kịp thời các thông tin.
Mục tiêu xuất khẩu ngành dệt may năm 2024 là 44 tỷ USD. Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, với sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, hướng đến một năm 2024 cùng hy vọng phục hồi, với dự báo về sự “ấm dần” của thị trường, bởi lẽ chưa năm nào dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như vậy, với 104 thị trường.