Doanh nghiệp ngành dệt may nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm

Ngành dệt may Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi trong những tháng cuối năm 2023, khi tốc độ giảm giá trị đang dần được thu hẹp. Cùng đó, các doanh nghiệp đang chắt chiu từng đơn hàng, thay đổi phương thức sản xuất để tiết kiệm chi phí, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm.

Báo cáo từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) trong hội nghị tổng kết giữa tháng 12 vừa qua, nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021 thì sang đến năm 2023, ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá,...

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. “Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng năm 2023 là năm xuất khẩu dệt may bứt phá về thị trường, chưa năm nào ngành dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như vậy với 104 thị trường, vùng lãnh thổ”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS thông tin. 

 Dự báo năm 2024, ngành dệt may sẽ "lấy lại phong độ". Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Doanh nghiệp trên đường hoàn thành kế hoạch năm

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đang chắt chiu từng đơn hàng, thay đổi phương thức sản xuất để tiết kiệm chi phí, tối ưu lợi nhuận. 

Theo báo cáo tài chính riêng mới công bố, Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) ghi nhận doanh thu tháng 11 đạt hơn 557 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp ở mức gần 96 tỷ đồng, cao hơn 2% so với tháng 11/2022. 

Tuy nhiên, chi phí lãi vay cùng chi phí bán hàng tăng trong bối cảnh doanh nghiệp tích cực tìm kiếm đơn hàng mới đã khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng đáng kể. Kết quả, TNG thu về lãi sau thuế gần 21 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên đây cũng là tín hiệu tích cực khi cắt đà giảm những tháng gần đây. 

Tính chung 11 tháng đầu năm, công ty dệt may ở Thái Nguyên vẫn chứng kiến quy mô doanh thu thuần mở rộng thêm 4% lên mức 6.564 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kết quả tiêu cực trước đó, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 27% về hơn 203 tỷ đồng.

Cổ đông TNG đặt chỉ tiêu kinh doanh cho cả năm bao gồm 6.800 tỷ đồng doanh thu và có lãi 299 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành được 97% chỉ tiêu doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận năm sau 11 tháng kinh doanh.

 TNG gần đạt kế hoạch doanh thu nhưng còn cách khá xa mục tiêu lợi nhuận năm. Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Vào giữa tháng 12, TNG thông báo đã hoàn thành kế hoạch doanh thu cả năm khi đạt 6.800 tỷ đồng, tức về đích sớm 16 ngày so với chỉ tiêu. Lãnh đạo công ty ước tính doanh thu cả năm có thể tiến đến mốc kỷ lục 7.000 tỷ đồng.

TNG đang trở thành số ít doanh nghiệp dệt may hoàn thành kế hoạch doanh thu cả năm. Công ty còn có tín hiệu sản xuất tích cực khi duy trì đội ngũ lao động khoảng 18.000 người, cùng mức thu nhập ổn định 9,4 triệu đồng/người/tháng. 

Trong khi đó, phần đông các doanh nghiệp dệt may trong nước khác vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, lượng hàng hoá tồn kho lớn và căng thẳng địa chính trị làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. 

Chẳng hạn, Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) báo cáo doanh thu tháng 11 tiếp tục suy giảm 56% xuống mức 285 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 16% còn gần 9 tỷ đồng, nối dài chuỗi 6 tháng liên tiếp suy giảm lợi nhuận.

Lũy kế từ đầu năm, công ty này thu hơn 3.115 tỷ và có lãi 183 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 29% so với cùng kỳ. Kết quả này tương đương với việc mới thực hiện 79% chỉ tiêu doanh thu và gần 75% kế hoạch lợi nhuận năm.

 TCM đã hoàn thành trên 70% kế hoạch kinh doanh năm. Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may thời trang giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí đầu vào không giảm đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, chưa đạt như kỳ vọng. 

Dệt May Thành Công cũng chưa hoạt động hết công suất tối đa và kỳ vọng tình hình đơn hàng tốt hơn vào năm tới. Công ty mới đạt khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2023 và đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý I/2024.

Hay một doanh nghiệp khác là Garmex Sài Gòn (Mã: GMC) đang rơi vào khó khăn khi từ quy mô 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký. 

Công ty có chuỗi 5 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp và lỗ lũy kế đến hết quý III ở mức gần 66 tỷ đồng. Tình hình của Garmex Sài Gòn xấu đi nhanh chóng sau khi hụt thu đơn hàng từ đối tác lớn là công ty Gilimex - đơn vị liên quan đến vụ kiện Amazon Robotics.

Chia sẻ với báo chí trong một buổi phỏng vấn gần đây, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: Những năm trước, May 10 thường nhận những đơn hàng lớn từ các nhãn hàng, một số thời điểm phải đặt gia công từ các doanh nghiệp nhỏ khác.

Tuy nhiên đến năm 2023, suy thoái kinh tế khiến xuất khẩu mặt hàng chủ lực của May 10 là sơ mi sụt giảm mạnh, doanh nghiệp đã có lúc phải nhận lại các đơn hàng từ doanh nghiệp khác. Hàng nào cũng nhận, miễn là có thể duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh khó khăn.

CEO May 10 nhận định 2023 là một năm đặc biệt theo hướng tiêu cực, doanh nghiệp phải “giật gấu vá vai” các đơn hàng trong suốt 8 tháng năm 2023. Trong những tháng cuối năm, tình hình khả quan hơn, doanh nghiệp có đơn hàng và ở trạng thái “đủ ăn, đủ mặc”.

Tìm cơ hội trong thách thức

Sự bứt phá về thị trường xuất khẩu là một trong những thế mạnh của ngành dệt may Việt Nam. Nước ta đãxuất khẩu sang 104 thị trường với nhiều địa chỉ mới như châu Phi, Nga, các nước đạo Hồi,... với 36 mặt hàng dệt may xuất khẩu. Điều này cho thấy sự dần giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh với Bangladesh. Trong khi nước bạn đã sớm áp dụng chuyển đổi xanh, trong khi ngành dệt may Việt Nam mới đang trên những bước đầu của chuyển đổi.

"Để tìm cơ hội trong thách thức, ngành dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới; đầu tư cái tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện. Cùng đó đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất…" ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải kiểm soát dòng tiền, tỷ giá, lãi suất;đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số. 

Nguồn:Doanhnhanvn.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/