Đơn hàng xuất khẩu ít, kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho các ngành dệt may, da giày từ đầu năm đến nay giảm mạnh, lên tới vài tỷ USD.
Cụ thể, số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 11/2023 đạt 2,14 tỷ USD, tăng 5,1% (tương ứng tăng 104 triệu USD) so với tháng trước. Tính chung 11 tháng/2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 21,94 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 4,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vải các loại đạt 11,87 tỷ USD, giảm 13,2%; nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 5,48 tỷ USD, giảm 11,8%; bông các loại đạt 2,59 tỷ USD, giảm 31,3%; xơ sợi dệt các loại đạt 1,99 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng/2023 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 53%, với 11,62 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm này là dễ hiểu khi nhìn vào kết quả xuất khẩu của 2 ngành vốn đóng góp trên 70 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm ngoái.
11 tháng/2023, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may mới đạt 30,43 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 4,25 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, xơ sợi đạt 4 tỷ USD, giảm 9%. Còn trị giá xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 11/2023 là 1,93 tỷ USD, tăng 10,5% so với tháng trước, tuy nhiên, tính chung 11 tháng/2023, xuất khẩu giày dép các loại là 18,37 tỷ USD, vẫn giảm tới 16,6% (tương ứng giảm 3,67 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Tổng trị giá xuất khẩu sụt giảm của dệt may và giày dép sau 11 tháng lên tới 7,92 tỷ USD, theo Tổng cục Hải quan.
Xuất khẩu nhóm hàng dệt may giảm ở 3 thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, EU (27 nước) và Hàn Quốc, riêng xuất khẩu sang Nhật Bản tăng nhẹ. Cụ thể: xuất sang Hoa Kỳ là 13,17 tỷ USD, giảm 18,2%; xuất sang EU (27 nước) là 3,54 tỷ USD giảm 13,8%; xuất sang Hàn Quốc là 2,82 tỷ USD, giảm 7,6%. Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật Bản đạt 3,71 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Còn xuất khẩu giày dép các loại sang thị trường Hoa Kỳ giảm 27,9% với 6,5 tỷ USD, sang EU (27 nước) là 4,45 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu giày dép các loại sang Trung Quốc và ASEAN trong 11 tháng/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể xuất sang Trung Quốc đạt 1,71 tỷ USD, tăng 11,1%; và ASEAN đạt 497 triệu USD, tăng 26,9%.
Dù xuất khẩu sang Trung Quốc và ASEAN tăng khá nhưng do giá trị tuyệt đối xuất khẩu sang 2 thị trường này thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ, EU, nên không thu hẹp được đáng kể đà giảm của xuất khẩu từ đầu năm.
Gần qua hết chặng đường của năm 2023, ngành dệt may dự tính xuất khẩu cả năm trên 40 tỷ USD (bao gồm: dệt may, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu), giảm gần 10% so với 44 tỷ USD của năm 2022, còn giày dép-túi xách cũng tăng trưởng kém xa năm ngoái, 11 tháng đạt 21,7 tỷ USD, ước cả năm về đích khoảng 24,5 - 25 tỷ USD. Năm 2022 là kỷ lục xuất khẩu của da giày-túi xách với 28 tỷ USD.
Về tổng thể, không chỉ riêng nhập nguyên liệu đầu vào cho 2 ngành xuất khẩu kể trên suy giảm. Tổng chi ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa của cả nước sau 11 tháng năm 2023 mới đạt 296,75 tỷ USD, giảm 35,55 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 10,7%.
Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 11,7 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (giảm 3,93 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (giảm 2,72 tỷ USD); vải các loại (giảm 1,8 tỷ USD). Tính riêng 4 nhóm hàng trên, trị giá nhập khẩu đã giảm hơn 14,65 tỷ USD so với 11 tháng/2022, chiếm 41% trị giá nhập khẩu giảm của cả nước.
|
10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng/2023 và 11 tháng/2022 |