Tìm đơn hàng để nhà máy luôn sáng đèn
Dù đã linh hoạt trong sản xuất, lựa chọn các đơn hàng đơn lẻ, doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt với muôn vàn khó khăn khi khách hàng đang có xu hướng thắt chặt tiêu dùng. Để giúp DN lấy lại đà tăng trưởng, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
DN “ốm”, xuất nhập khẩu giảm sâu
Ngày 13/12, tại Hội nghị “Xúc tiến thương mại - Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ” do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, nhiều DN cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi chưa lâu sau dịch bệnh COVID-19 thì tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Biến động khó lường của kinh tế thế giới, giá nhiên liệu, giá vận chuyển tăng cao... khiến
Ông Phạm Văn Việt, Giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans (TPHCM), cho biết từ quý 2/2023, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn do giảm đơn hàng. Những thị trường chiếm thị phần lớn như Mỹ và châu Âu giảm khoảng 40%, Nhật Bản giảm 17%. Theo ông Việt, chưa bao giờ các DN may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng chỉ từ 500 đến 1.000 chiếc áo như hiện nay. Dù đơn hàng số lượng ít song để người lao động có việc làm, DN buộc phải chốt đơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành, chính quyền địa phương đã thành lập tổ đặc biệt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Thời gian qua, các ngành chức năng của địa phương đã tích cực hỗ trợ DN trong đổi mới mô hình sản xuất, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm phụ thuộc thị trường nước ngoài.
“Người tiêu dùng hướng đến chi tiêu dè dặt, chỉ mua sắm vật dụng thiết yếu nhất. Đây chính là lý do các ngành chủ lực như da giày, may mặc, gỗ… gặp khó. Để tồn tại, DN phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường”, ông Ricardo Cateb Cury, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Sao Paulo -ACSP nói và tiết lộ, cơ hội xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng, dệt may, da giày sang thị trường Nam Mỹ là rất lớn trong bối cảnh hiện nay.
Không riêng dệt may, nhiều ngành hàng khác cũng rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản giảm sâu. Trong đó Mỹ là thị trường giảm mạnh nhất với hơn 50%; thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Lý do xuất khẩu thủy sản giảm mạnh vì người tiêu dùng tiết kiệm. Thủy hải sản trở thành món ăn xa xỉ và họ chuyển sang dùng các thực phẩm khác.
Theo một số DN, một trong những khó khăn hiện nay là dù lãi suất cho vay giảm dần song khả năng DN tiếp cận nguồn vốn vẫn còn hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến việc cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến và xuất khẩu.
Thay đổi để tồn tại
Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ Việt Nam Trần Quốc Mạnh cho biết, năm 2023 ngành gỗ và lâm sản xuất khẩu giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến thị trường những tháng cuối năm cho thấy, xu thế giảm chậm lại, nhập khẩu đã nối lại đơn hàng. Theo ông Mạnh, khách hàng ngành đồ gỗ đã có sự thay đổi trong cách đặt đơn hàng, theo hướng khắt khe hơn. Bên cạnh lượng khách mua và giá mua đều giảm, mẫu mã đòi hỏi đa dạng, khách hàng còn yêu cầu sản phẩm phải thân thiện với môi trường hơn. Đây là áp lực rất lớn đối với hầu hết các DN.
Tương tự, với ngành dệt may, bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, hiện nay để duy trì hoạt động sản xuất, các DN phải tìm khách hàng nhỏ lẻ. Khách hàng yêu cầu khắt khe hơn, thời gian sản xuất, thực hiện đơn hàng phải nhanh hơn, trong khi số lượng hàng ít hơn và đặc thù hơn… Do đó, nhiều DN buộc phải thích nghi để tồn tại.
Theo bà Đặng Nga, Nhà đồng sáng lập Vietnam Food Europe BV, thời gian qua, các thị trường xuất khẩu trọng điểm ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng. “Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, ổn định sản xuất, việc chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu. Xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu”, bà Nga nhìn nhận.
Bà Anita Xiao, Tư vấn Kinh doanh cao cấp, Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) khuyến cáo, các DN khó tồn tại nếu vẫn giữ lối đi truyền thống. Hiện nay, DN phải kịp thời nắm bắt các xu hướng ngành hàng liên quan đến thương mại điện tử và các nền tảng số. Theo bà Anita Xiao, cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam còn rất lớn thông qua Walmart.com, một trong những kênh thương mại điện tử có uy tín.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong 11 tháng qua, dù gặp nhiều khó khăn thách thức, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ đạt hơn 200,5 tỷ USD, chiếm gần 32,4% thương mại của Việt Nam. Hàng hóa của vùng Đông Nam Bộ đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương vùng Đông Nam Bộ, hỗ trợ DN trong vùng phát triển thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng ở thị trường trong và ngoài nước. Bộ sẽ tận dụng các cơ hội quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực, góp phần thúc đẩy thương mại của vùng phát triển năng động hơn”, bà Thắng nói.