Thực hư câu chuyện "ngành dệt may Việt Nam bị Bangladesh vượt mặt, giành vị trí thứ hai trong mảng xuất khẩu vì 'xanh hóa' chậm hơn"?

Theo bà Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), việc ngành dệt may Việt Nam đánh rơi vị trí thứ hai vào tay Bangladesh chủ yếu nằm ở vấn đề giá cả, cùng 1 sản phẩm nhưng khi xuất vào châu Âu thì giá của Việt Nam cao hơn. Tuy nhiên, tương lai vẫn còn là ẩn số khi DN Việt Nam ngày càng giỏi vận dụng EVFTA và châu Âu sắp thông qua Điều luật Thẩm định chuỗi cung ứng.

Ngành dệt may Việt Nam hiện có 7.000 doanh nghiệp, trong đó 80% là SMEs (39% là FDI) và 80% năng lực sản xuất là dành cho xuất khẩu. Với đặc thù phần lớn DN là SMEs và hoạt động may mặc, nên ngành dệt may thâm dụng lao động cao, lên tới 3 triệu người, trong đó hơn 70% là nữ giới.

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 10 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt 33 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2022. Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 chỉ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ và tương đương với năm 2021.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm vào 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất với 41% kim ngạch xuất khẩu; 4 thị trường lớn còn lại là châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản - mỗi thị trường trên dưới 10%. Theo đó, ngành dệt may đang nằm trong top 4 ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam và đứng top 3 các nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới.

Trong giai đoạn hoàng kim khoảng 5 năm trở lại đây, ngành dệt may Việt Nam luôn đứng ở top 2 xuất khẩu của thế giới, ví dụ như năm 2022 với kỷ lục 44,023 tỷ USD. Sở dĩ những con số về tổng kim ngạch xuất khẩu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khác cơ quan Nhà nước là vì họ tính thêm mảng dệt, phụ liệu, chứ không riêng may mặc.

Thực hư câu chuyện "ngành dệt may Việt Nam bị Bangladesh vượt mặt, giành vị trí thứ hai trong mảng xuất khẩu vì 'xanh hóa' chậm hơn"? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS

"Sự khó khăn của ngành dệt may trong năm 2023 đã được báo hiệu từ quý IV/2022, khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, trong thời gian khó mới thấy các DN Việt Nam giỏi như thế nào!

Trong năm 2023 tôi đã thấy nhiều DN Việt cố gắng đa dạng hóa thị trường – hàng hóa xuất khẩu, thậm chí có những đơn hàng không có lời họ vẫn nhận làm để có thể duy trì hoạt động của công ty", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS chia sẻ trong Hội thảo chuyên đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh".

Với sự chững lại của Việt Nam, Bangladesh đã nhanh chân vượt lên chiếm vị trí thứ hai trên bảng tổng xắp những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới khi họ thu về 35,61 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 7,96% so với cùng kỳ 2022. Động lực của sự tăng trưởng này đến từ các thị trường không truyền thống như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

Châu Âu vẫn là khu vực xuất khẩu lớn nhất của họ, chiếm 49,22% tỷ trọng. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là xuất khẩu vào nước Đức – thị trường lớn nhất của Bangladesh ở châu Âu đã giảm 12,58% và vào nước Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 giảm 7,18%.

Thuế vào thị trường châu Âu của Bangladesh đã bằng 0 trong nhiều năm nay

Theo Phó Chủ tịch VITAS, thì việc ngành dệt may Việt Nam đánh rơi vị trí thứ hai vào tay Bangladesh chủ yếu nằm ở vấn đề giá cả, chứ không phải 'xanh hóa' chậm hơn.

"Không phải doanh nghiệp Việt Nam 'dở' hơn Trung Quốc hay Bangladesh nên không bán được hàng qua châu Âu, mà do nhiều lý do, chúng ta bị mất ưu thế khi xuất khẩu qua thị trường này.

Châu Âu luôn mong muốn xây dựng một hệ sinh thái để mang lại bình đẳng cho tất cả mọi người, để các nước chậm phát triển có thể bắt kịp thế giới. Vậy nên, thị trường này có rất nhiều chính sách ưu đãi cho các nước nghèo như Bangladesh, Campuchia, hay Myanmar. Trong nhiều năm nay, hàng hóa từ Bangladesh qua châu Âu luôn được miễn tất cả các loại thuế phí, trừ vũ khí.

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam qua châu Âu luôn phải chịu các loại thuế phí từ 5% đến 20%, nên chúng ta không cạnh tranh được. Năm 2021, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) dần có hiệu lực, thì tỷ lệ xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào châu Âu mới bắt đầu tăng lên", bà Tuyết Mai phân tích.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là theo thời gian, ngành dệt may Việt Nam sẽ cạnh tranh giá được với Bangladesh khi đi vào châu Âu, vì thuế cũng sẽ về 0% theo lộ trình EVFTA – nhiều nhất là 8 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Muốn được châu Âu giảm thuế về bằng 0, hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam phải thỏa mãn các quy tắc xuất xứ như: cả sợi vải lẫn gia công may mặc đều làm ở Việt Nam.

Thực hư câu chuyện "ngành dệt may Việt Nam bị Bangladesh vượt mặt, giành vị trí thứ hai trong mảng xuất khẩu vì 'xanh hóa' chậm hơn"? - Ảnh 2.

Mảng nguyên liệu đầu vào - ví dụ như vải sợi cho các xí nghiệp may của Việt Nam vẫn đang nhập khẩu rất nhiều.

Trong khi, thực tế là ngành dệt sợi của chúng ta vẫn còn yếu kém nên rất thiếu nguyên liệu đầu vào như các loại vải đẹp giá cả phải chăng, buộc doanh nghiệp Việt phải nhập khẩu rất nhiều.

Ở một góc nhìn khác, chia sẻ trong ĐHCĐ Vinatex vào tháng 6/2023, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho biết thêm: "Đối với chúng ta, suy giảm dệt may của Việt Nam cao nhất do đồng tiền Việt Nam đắt hơn 20% so với các quốc gia cạnh tranh, đồng thời lãi suất ở Việt Nam neo ở mức cao (9 – 11% trong 4 tháng đầu năm, trong khi các quốc gia khác duy trì ở mức 3,5 – 7%). Cùng với đó, giá điện của Việt Nam đã tăng 3% kể từ ngày 4/5/2023 cũng đã kéo theo nhiều 'áp lực' lên đối với các doanh nghiệp dệt may.

Với những điều kiện trên, nếu như các doanh nghiệp duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh thì sẽ lỗ ít nhất 15%. Bài toán này đặt ra nhiều thách thức, bởi các doanh nghiệp dệt may trong nước đang mất đi rất nhiều lợi thế trước các đối thủ để có thể duy trì khách hàng, đơn hàng".

Giá lao động của Bangladesh cũng rẻ hơn Việt Nam

Nguyên do thứ hai khiến hàng may mặc Bangladesh rẻ hơn Việt Nam là vì chi phí lao động rẻ hơn. Trung bình mức lương của một công nhân may mặc của Bangladesh chỉ vào khoảng 75 USD đến 100 USD/tháng. Theo CNN, các công nhân Bangladesh trong các nhà máy sản xuất quần áo cho các thương hiệu lớn như H&M, Zara hay Levi's cũng chỉ nhận được 95 USD/tháng.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của ngành may mặc Bangladesh cũng nằm ở đây, khi người lao động không thể sống tử tế với mức lương quá thấp nói trên. Vậy nên, đã có rất nhiều cuộc đình công, biểu tình của giới công nhân may mặc Bangladesh khiến hàng trăm nhà máy phải đóng cửa. Hiện Bangladesh có khoảng 4 triệu lao động làm trong ngành dệt may.

Đầu tháng 11/2023, Chính phủ nước này đã có hành động nhằm xoa dịu các tình hình, khi thông báo sẽ nâng mức lương trung bình lên 113 USD/tháng, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/12/2023. Dù thế, công nhân và nhiều nhóm lao động trong ngành đã bác bỏ, vì cho rằng 'mức lương này không theo kịp lạm phát' và đòi lên 208 USD/tháng.

Thực hư câu chuyện "ngành dệt may Việt Nam bị Bangladesh vượt mặt, giành vị trí thứ hai trong mảng xuất khẩu vì 'xanh hóa' chậm hơn"? - Ảnh 3.

Điều luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (LKSG)

Bên cạnh đó, Điều luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (LKSG) đã có hiệu lực từ 1/1/2023 và châu Âu cũng sắp thông qua Chỉ thị Thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD). Theo đó, chính quyền Đức yêu cầu các doanh nghiệp nước này phải thẩm định kỹ càng các đối tác/nhà cung ứng các cấp ở các nước thứ ba, trước khi nhập khẩu/đặt áo quần để bán vào quốc gia này.

Cụ thể hơn, LKSG có 2 phần đánh giá quan trọng là rủi ro với con người – môi trường. Đúng là khía cạnh môi trường - 'chuyển đổi xanh' Bangladesh phần nào làm tốt hơn Việt Nam, nhưng kể cả như vậy, nếu họ không làm tốt khía cạnh con người thì cũng sẽ bị phía Đức từ chối. Đó có thể là nguyên do khiến kim ngạch xuất khẩu vào nước Đức trong 9 tháng đầu năm 2023 của Bangladesh bị sụt giảm.

Thực hư câu chuyện "ngành dệt may Việt Nam bị Bangladesh vượt mặt, giành vị trí thứ hai trong mảng xuất khẩu vì 'xanh hóa' chậm hơn"? - Ảnh 4.

Những nỗ lực 'chuyển đổi xanh' của ngành dệt may Việt Nam từ 2018-2022.

"Về tổng quan thì giá của Bangladesh rẻ hơn Việt Nam nhưng không phải tất cả các đơn hàng từ châu Âu đều tìm đến với doanh nghiệp Bangladesh. Những người mua châu Âu cần các sản phẩm may mặc có kỹ thuật cao như suit hay sơ mi và hàng thể thao cao cấp vẫn tìm đến thị trường Việt Nam", Phó Tổng thư ký VITAS tiết lộ.

Theo đó, việc Bangladesh vượt lên trong lĩnh vực xuất khẩu may mặc thực ra cũng không quá nghiêm trọng. Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường của mình: Đầu tư vào chuyển đổi số - chuyển đổi xanh - ngành dệt sợi để phát triển bền vững hơn trong tương lai. 

Theo Quỳnh Như

An ninh tiền tệ

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/