EU tiến tới "nói không” với thời trang nhanh, doanh nghiệp dệt may Việt phải làm gì?
Mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) từ giờ đến năm 2030 là ngành thời trang nhanh không còn là mốt nữa. Thay vào đó sẽ giảm các bộ sưu tập và hướng đến các sản phẩm dệt may có tuổi thọ bền hơn, có khả năng tuần hoàn…
Hướng tới sản phẩm dệt may có khả năng tuần hoàn
EU nhận diện ngành dệt may là ngành tiêu thụ nước và sử dụng đất nhiều thứ ba, là ngành làm suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu lớn thứ tư, đồng thời là ngành sử dụng nguyên liệu thô và phát thải khí nhà kính nhiều thứ năm.
Vì thế, EU tập trung rất nhiều nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu trung hòa khí hậu vào việc xử lý câu chuyện về chuyển đổi xanh với ngành dệt may.
Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, EU là thị trường lớn thứ hai, chỉ đứng sau Mỹ, về xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Đây là thị trường cao cấp, khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường.
Chất thải dệt may của EU ngày càng nhiều. Hằng năm, người dân EU thải bỏ gần 6 triệu tấn hàng dệt may, trung bình khoảng 11,3kg/người. Số lượng hàng dệt may này phần lớn sẽ được đốt, chôn lấp hoặc xuất khẩu dưới dạng quần áo cũ.
Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Vì vậy, EU đã phát động chiến dịch thiết lập lại xu hướng, giải quyết tất cả tác nhân trong ngành may mặc, gồm nhà thiết kế, thương hiệu, nhà bán lẻ, người tiêu dùng cuối cùng và nhà sản xuất hàng may mặc trong và ngoài châu Âu.
Cho đến thời điểm hiện tại, Uỷ ban châu Âu đang rà soát chỉ thị khung về rác thải để xác định đối tượng nào sẽ phải trả khoản phí để EU thu gom và phân loại rác. Khả năng EU sẽ đánh thuế trên từng sản phẩm.
Với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và thuế carbon, từ đầu tháng 10/2023, 6 nhóm mặt hàng xi măng, sắt, thép, phân bón, điện, hydro là những đối tượng phải áp dụng cơ chế này. Từ giờ đến hết năm 2025, châu Âu sẽ rà soát lại CBAM, qua đó cân nhắc có đánh thuế CBAM hay không hoặc đánh thuế ở mức nào..
Mặt hàng dệt may chưa nằm trong 6 nhóm mặt hàng thuộc diện phải báo cáo từ tháng 10 năm nay. Tuy vậy, dệt may nằm trong nhóm khoảng 50 - 60 mặt hàng có nguy cơ từ giờ đến năm 2030 bị đưa vào bổ sung áp dụng CBAM.
Đáng lưu ý, theo ông Đức Anh, câu chuyện về phát triển bền vững ở EU đang dần từ tự nguyện sang luật hoá. Nếu báo cáo sai sẽ bị phạt tính theo mức doanh thu toàn cầu của doanh nghiệp.
Vừa qua, Đức đưa ra quy định thẩm định chuỗi cung ứng. Tức là các DN đầu chuỗi nằm ở Đức, các nhà đặt hàng của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu liên quan đến lao động và môi trường. Tất cả các DN tham gia trong chuỗi phải đáp ứng các yêu cầu về thẩm định chuỗi cung ứng.
Các quy định về chuyển đổi xanh EU gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệt dệt may Việt Nam.
Việt Nam là nhà cung cấp cho các đối tác ở EU thì phải đáp ứng các yêu cầu về việc luật thẩm định chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, có thể EU đưa ra những quy định khác, theo đó gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu của EU từ giờ đến 2030 là muốn ngành thời trang nhanh không còn là mốt nữa và họ sẽ giảm các bộ sưu tập và hướng đến tạo ra việc cung ứng các sản phẩm dệt may có tuổi thọ bền hơn, có khả năng tuần hoàn và tất nhiên giá cao hơn.
Xung quanh điều này, EU có nhiều thứ mà họ dự kiến ban hành và áp dụng, từ thiết kế sinh thái với yêu cầu các nhà sinh thái ngay từ đầu đưa nguyên vật liệu tái chế hay tuần hoàn hoặc organic (hữu cơ) vào sản phẩm của mình.
Theo Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex, dệt may là ngành làm theo đơn đặt hàng của người mua hàng. Các nhà mua hàng ở EU cũng phải đáp ứng theo chiến lược chung của Chính phủ với những chiến lược phát triển bền vững riêng của từng hãng.
Chẳng hạn, với H&M, chiến lược của họ là đến năm 2030 tất cả nguyên liệu sử dụng của H&M đều phải là nguyên liệu tái chế, tuần hoàn hoặc hữu cơ.
Tất cả các hãng thời trang lớn đều có chiến lược cho riêng mình để hiện thực hoá các mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững của Chính phủ.
“Nhà cung ứng, nhà sản xuất cũng phải chủ động nắm bắt thông tin để khi họ đưa các yêu cầu xuống thì cảm giác không bị mới, chủ động đặt vấn đề tham gia cùng họ trong việc phát triển xanh, để duy trì vị trí của mình trong chuỗi cung ứng của EU”, ông Đức Anh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp thích ứng thế nào?
Với doanh nghiệp Việt Nam, Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho rằng, đa số các doanh nghiệp khi nói đến chuyển đổi xanh đều đề cập đến câu chuyện “tiền đâu”.
“Theo tôi, thực ra không phải là câu chuyện tiền. Mấu chốt của câu chuyện là ở chỗ để đáp ứng được yêu cầu về xanh hoá, DN xác định đúng nhu cầu và lựa chọn đúng thời điểm đầu tư là quan trọng nhất”, ông Đức Anh nói.
Theo phân tích của vị này, nếu đầu tư sớm khi nhu cầu còn đang thấp thì doanh nghiệp sẽ phải bỏ nhiều chi phí và đôi khi sẽ thua lỗ. Nhưng nếu không làm sớm thì có thể không vào được chuỗi, bị loại khỏi cuộc chơi.
Do đó, việc bắt được đúng điểm rơi là quan trọng nhất, chứ không phải là chuyện tiền đầu tư, để đáp ứng các yêu cầu mới của EU. Từng DN sẽ phải có chiến lược riêng cho mình, sẽ không có đáp án chung. Phải căn cứ vào nhu cầu của nhà mua hàng, đối tác của DN để xác định nhu cầu.
Dù vậy, theo Chánh văn phòng HĐQT Vinatex Việt Nam có lợi thế bởi lẽ Việt Nam là quốc gia không có thế mạnh về sản xuất nguyên liệu, phải nhập khẩu, phải nhập khẩu 55% vải. Áp lực chính trong việc đáp ứng yêu cầu “xanh” của EU lại đổ dồn lên các quốc gia có nền sản xuất nguyên liệu lớn. Họ phải chuyển mình, chuyển sang sản xuất theo yêu cầu mới về vật liệu tái chế bền vững.
“Việt Nam đi sau đôi khi lại có lợi thế, có cơ hội để đầu tư đúng theo nhu cầu mới về mặt nguyên liệu”, ông Đức Anh nhận định.
Nguồn:Doanhnghiepvn.vn