|
Với kim ngạch xuất khẩu 4,4 tỷ USD năm 2022, dệt may đang chịu nhiều áp lực chuyển đổi sản xuất để có tăng trưởng bền vững tại EU. |
Với sự hỗ trợ của Viện FNF (CHLB Đức), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức Hội thảo: Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) và tác động tới xuất khẩu Việt Nam, những điều doanh nghiệp cần biết" vào ngày 16/11 tại Hà Nội.
Với các nội dung cơ bản liên quan đến thỏa thuận xanh của EU, tổng hợp các chính sách xanh EU có tác động tới hàng hóa nhập khẩu vào EU đã và dự kiến áp dụng, Hội thảo sẽ nhận diện các ngành xuất khẩu sẽ chịu tác động mạnh và phân tích hướng tác động của EGD tới xuất khẩu Việt Nam.
Theo đánh giá, các ngành xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, nông sản-thực phẩm sẽ chịu không ít tác động, cần có giải pháp ứng phó, thích ứng để không bị ảnh hưởng tới tăng trưởng xuất khẩu vào EU.
Thị trường Liên minh châu Âu (EU) là một trong các điểm đến quan trọng hàng đầu của xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, EU cũng là khu vực đi đầu thế giới trong các nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải, đặc biệt là trong khuôn khổ EGD, gói các sáng kiến chính sách xanh bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế của EU, với các tác động trực tiếp tới hàng hóa nhập khẩu vào EU.
VCCI cho hay, những quy định gần đây của EU về cấm nhập khẩu một số loại nông sản từ đất phá rừng (EUDR), về yêu cầu khai báo và nộp thuế phát thải carbon đối với sắt thép nhập khẩu (CBAM), về giảm hạn mức dư lượng kháng sinh, chất tồn dư tối đa trong thực phẩm nhập khẩu… chỉ là một số trong nhiều hành động của EU triển khai Thỏa thuận Xanh.
Theo kế hoạch, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự EU.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU năm 2022 tăng 16,7% so với năm 2021, đạt khoảng 46,83 tỷ USD, chiếm 12,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, với 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện 6,5 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 6,35 tỷ USD; Giày dép các loại 5,85 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 5,63 tỷ USD, Hàng dệt, may gần 4,4 tỷ USD, Cà phê 1,5 tỷ USD, Sắt thép các loại 1,46 tỷ USD, Hàng thủy sản 1,223 tỷ USD, Phương tiện vận tải và phụ tùng 1,1 tỷ USD...
10 tháng 2023, xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang EU chung cảnh giảm như nhiều thị trường lớn khác. Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang 27 nước EU giảm 8,9%, đạt 36,2 tỷ USD.
Chịu tác động từ suy giảm kinh tế, lạm phát cao, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng từ Việt Nam giảm. Dự kiến cả năm nay, xuất khẩu sang khu vực thị trường quy mô 450 triệu dân khó bằng năm ngoái.
Nguồn: Baodautu.vn