Người lao động trong ngành dệt may châu Phi lo lắng trước tương lai của mình. Ảnh: Reuters.
Trong tuần này, các quan chức chính phủ Mỹ sẽ đến Nam Phi gặp các bộ trưởng thương mại châu Phi và dự kiến được kêu gọi phê duyệt lại Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA) khi nó hết hạn vào năm 2025.
Các công ty may mặc và những người trong ngành cảnh báo rằng, châu Phi có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng sa thải hàng loạt, với khoảng 240.000 đến 290.000 công nhân đứng trước nguy cơ mất việc làm.
“Chúng tôi đang cầu nguyện rằng công việc này sẽ kéo dài, bởi rất khó kiếm được việc làm ở Kenya” – Norah, bà mẹ đơn thân nói trong thời gian nghỉ giải lao tại một nhà máy ở thủ đô Nairobi.
Dệt may là một ví dụ về thành công nổi bật của AGOA, đạo luật ra đời năm 2000 nhằm phát triển nền kinh tế châu Phi và thúc đẩy dân chủ. Xuất khẩu hàng may mặc của châu Phi theo chương trình này đạt gần 1,4 tỷ USD vào năm ngoái, gấp đôi so với trước khi có AGOA.
Pankaj Bedi, Chủ tịch UAL và là ông chủ nhà máy nơi Norah Nasimiyu làm việc, nói đặc quyền miễn thuế theo chương trình AGOA tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới là lý do khiến UAL - nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất Kenya - tồn tại. “Gần như 100% những gì chúng tôi xuất khẩu là sang Mỹ” – ông Pankaj Bedi nói.
Những người trong ngành và các nhà hoạch định chính sách nhìn thấy cơ hội phát huy thành công đó khi các công ty tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc sau đại dịch.
Bộ trưởng Thương mại Nam Phi Ebrahim Patel cho biết hồi tuần trước: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy cơ hội hiện mở rộng hơn”.
Giám đốc điều hành Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ Stephen Lamar cho biết, việc nắm bắt ngay cả một phần nhỏ cơ hội kinh doanh đó có thể mang lại sự biến đổi cho châu Phi. Nhưng các công ty cần một quyết định rõ ràng, bởi nếu luật không được gia hạn trong 2 năm tới, những nhà đầu tư sẽ bỏ qua châu Phi. Sự thiếu rõ ràng đó không chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư mới.
Khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ (USFIA) cho thấy, 45% số công ty được hỏi giảm nguồn cung ứng từ các quốc gia AGOA do không chắc chắn về việc gia hạn, trong khi 45% số công ty khác có kế hoạch cắt giảm nguồn cung ứng nếu không được cấp phép lại (theo chương trình AGOA) vào tháng 6/2024.
Nhiều rào cản
Các chính phủ châu Phi đang thúc đẩy việc tái gia hạn AGOA với thời gian 10 năm như đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2015 với sự ủng hộ của lưỡng đảng, lý tưởng nhất là trước khi đợt bầu cử Mỹ khiến các luật thương mại mới bị tạm dừng thông qua. Nhưng điều này ngày càng khó xảy ra.
Ông Michael Walsh - thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Philadelphia cho biết: “Có mức độ không chắc chắn cao về những gì sẽ xảy ra do bối cảnh toàn cầu liên tục thay đổi”.
Hơn 10 thượng nghị sĩ Mỹ đang thúc đẩy việc gia hạn AGOA, nhưng Hạ viện đang phải đối mặt với một danh sách dài các dự luật phải thông qua.
Và có một trở ngại khác đối với việc cấp phép lại nhanh chóng. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) trong một báo cáo đầu năm nay nêu bật những bất hợp lý liên quan đến AGOA. Ví dụ, hơn 80% hàng xuất khẩu phi dầu mỏ được miễn thuế đến từ Nam Phi, Kenya, Lesotho, Madagascar và Ethiopia, trong khi lục địa này có hơn 50 quốc gia.
Ông Constance Hamilton - quan chức thương mại cấp cao của Mỹ ở châu Phi cho biết: “Một số quốc gia đã được hưởng lợi rất nhiều từ AGOA, nhưng phần lớn thì không”.
Những lý do trên khiến lãnh đạo các công ty may mặc lo lắng, họ nhắc lại trường hợp GSP - chương trình ưu đãi thương mại lớn nhất và lâu đời nhất của Mỹ. Quốc hội Mỹ kẹt trong bất đồng giữa Hạ viện và Thượng viện.
Greg Poole - cố vấn nguồn cung ứng toàn cầu tại công ty quần áo The Children’s Place cho biết, những nỗ lực thay đổi AGOA có nguy cơ tạo ra sự bế tắc tương tự. “Nếu chúng ta cố gắng thay đổi hoàn toàn AGOA, nó sẽ bị đình trệ. Và nếu thế, AGOA sẽ đi theo con đường của GSP” – ông Poole nói.
Báo cáo của USITC cho biết, lợi ích từ AGOA rất cần thiết để các quốc gia châu Phi duy trì xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ. Báo cáo nhắc lại tình huống tạm thời đình chỉ phúc lợi AGOA của Madagascar vào năm 2009, khiến nước này mất 50.000 đến 100.000 việc làm, trong khi Ethiopia mất 100.000 việc làm khi bị đình chỉ vào năm ngoái. Ở Kenya, Chủ tịch UAL Bedi vẫn còn hy vọng nhưng vẫn lo AGOA “bốc hơi”.
“Tất cả các công ty may mặc chắc chắn sẽ biến mất, trong đó có cả công ty của tôi. Ngành công nghiệp này sẽ sụp đổ” – ông Bedi nói.
Để tăng cường sức mạnh kinh tế của lục địa châu Phi, Quốc hội Mỹ đã ký AGOA năm 2000 và kể từ khi ban hành, AGOA đã mang lại nhiều lợi ích cho Kenya, Malawi, Lesotho, Guinea Xích đạo, Gabon, Zimbabwe và Gambia.
Nguồn:Daidoanket.vn