Khó khăn vẫn còn ngổn ngang
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường nhận định, những tháng còn lại năm 2023 và năm 2024, doanh nghiệp (DN) có thể phải đối mặt với những rủi ro như: bất ổn chính trị, xung đột vũ trang ở các khu vực có nguy cơ lan rộng; tín hiệu phục hồi bền vững ở cả Mỹ, EU, Nhật Bản đều chưa rõ ràng; thời gian áp dụng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) đến gần…
“Tổng thể thị trường năm 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn năm 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện không nhiều. Tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn từ 5 - 7%; xu thế giảm số lượng hàng hóa để chuẩn bị dần cho việc có khả năng áp dụng EPR; đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên” – ông Trường nói.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Nhà Bè Phạm Phú Cường cho biết, chưa khi nào DN dệt may gặp khó khăn như hiện nay, bởi thị trường giảm sâu, đơn hàng nhỏ, giá giảm… Tại May Nhà Bè, DN yêu cầu mỗi người, mỗi bộ phận cần phải đột phá, sáng tạo trong điều hành và quản trị.
Cuối năm 2022 đến giai đoạn hiện tại, ngành dệt may rơi vào cảnh khó khăn bủa vây, đơn hàng bị sụt giảm khiến cho doanh thu nhiều DN giảm. Trong quý II/2023, hầu hết các công ty dệt may niêm yết đều ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng giảm đáng kể, với biên lợi nhuận thu hẹp so với năm trước. Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG và Công ty CP Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 37% và 96% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong một báo cáo cập nhật ngành dệt may do SSI Research thực hiện cũng chỉ rõ, do nền kinh tế toàn cầu suy thoái, áp lực lạm phát và mức tồn kho cao trong nửa đầu năm 2022, các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn khác cũng ghi nhận xuất khẩu giảm so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023. Cụ thể, Trung Quốc ghi nhận mức giảm 7,3%. Bangladesh là quốc gia duy nhất ghi nhận mức tăng 4% trong nửa đầu năm 2023.
Theo khảo sát của các nhà bán lẻ, mặc dù Việt Nam được đánh giá cao hơn Bangladesh về chất lượng và năng lực sản xuất, nhưng Bangladesh có lợi thế về chi phí, thuế và các khoản trợ cấp của Chính phủ. Bangladesh nằm trong số 45 quốc gia đang phát triển hiện được miễn thuế vào châu Âu. Trong khi đó, thực thi EVFTA, quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt đối với vải trở đi là một trở ngại cho dệt may Việt Nam khi có khoảng 70% vải được nhập khẩu từ Trung Quốc. Xuất khẩu của Bangladesh trở nên cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
Chậm chân là mất cơ hội
Giới chuyên gia khuyến cáo, nếu như ngành dệt may không nhanh chân thay đổi, không chuyển đổi xanh nhanh thì sẽ mất dần tính cạnh tranh. Hiện nay các nước nhập khẩu ngày càng khó tính hơn khi yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn hàng hoá, các DN muốn xuất khẩu được hàng hoá cần phải thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải dòng bằng 0, cam kết về giảm phát thải khí metan toàn cầu,…
Ông Nguyễn Sỹ Linh - Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dẫn chứng, một số thị trường lớn như thị trường châu Âu đã sớm đề cập đến những quy định liên quan đến dấu vết carbon hay chuyển dịch năng lượng. Ngành dệt may của Việt Nam thời gian qua chịu ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang quốc gia khác, như Banglades. Đây cũng là quốc gia đang phát triển nhưng đã chuyển dịch năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và ít phát thải hơn.
Còn ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công thương) cho biết, xu thế về hàng hóa hay dịch vụ carbon thấp là một xu thế không thể đảo ngược và các DN cũng nhìn nhận rằng đây là một cơ hội rất lớn.
Theo ông Tâm, thách thức đối với DN là vấn đề về vốn đầu tư, về công nghệ. Bởi muốn giảm được dấu vết carbon thì DN buộc phải đầu tư cả những giải pháp về công nghệ, về chuyển đổi năng lượng. Khi đó cơ hội sẽ tăng lên rất nhiều. Nhưng ngược lại, những DN vẫn để lại nhiều dấu vết carbon trong sản phẩm, hàng hóa thì sản phẩm, hàng hóa đó sẽ không thể tiếp cận thị trường một cách dễ dàng và sẽ mất đi cơ hội đầu tư.
“Nếu DN có tầm nhìn dài hạn và có đầu tư thích đáng cho việc chuyển đổi thì sẽ đi đúng theo xu thế chung của toàn cầu, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đặc biệt là những thị trường lớn như là EU hoặc Mỹ” - ông Tâm khẳng định.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tình trạng thiếu đơn hàng có thể khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2023 khó có thể đạt được kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 26,2 tỷ USD, giảm hơn 16% so cùng kỳ năm ngoái. Và dự kiến cả năm 2023 kim ngạch ngành dệt may chỉ đạt khoảng 39,5 - 40 tỷ USD, thấp hơn kỳ vọng.
Nguồn: Daidoanket.vn