Xuất khẩu một mặt hàng sang châu Phi bất ngờ tăng nóng hơn 5.000%: Mỹ, Nhật Bản cũng chi hàng tỷ USD “chốt đơn”, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới
Mặt hàng này đã thu về hơn 2,5 tỷ USD chỉ trong 1 tháng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 9/2023 thu về hơn 2,56 tỷ USD, giảm 25,5% so với tháng trước đó. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may của nước ta thu về hơn 25,09 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, Mỹ và Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nhà nhập khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Đối với thị trường lớn nhất, trong tháng 9/2023, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt hơn 1,01 tỷ USD, giảm 34% về trị giá so với tháng 8/2023. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, Mỹ chi hơn 11 tỷ USD nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 43,8%.
Xếp thứ 2 trong số các thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam là Nhật Bản, trong tháng 9/2023, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này đạt hơn 360 triệu USD, giảm 13,15% so với tháng 8/2023. Kết thúc quý 3, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 11,7%.
Thị trường xếp thứ 3 của ngành dệt may Việt Nam là Hàn Quốc. Trong tháng 9, xuất khẩu mặt hàng này sang xứ kim chi đạt hơn 351 triệu USD, giảm 22,3% so với thàng trước đó. Tính đến hết quý 3, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt hơn 2,43 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 9,6%.
Trong khi mặt hàng này ghi nhận xu hướng giảm chung tại các thị trường lớn thì một quốc gia châu Phi lại đang tăng cường nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với mức tăng trưởng kỷ lục. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mozambique đạt hơn 15,8 triệu USD, tăng 5.309% so với cùng kỳ năm 2022, là thị trường ghi nhận mức tăng mạnh nhất tuy nhiên thị phần chỉ chiếm chưa đến 1%.
Năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 37,5 tỷ USD, đứng thứ 3 về quy mô, sau Trung Quốc và Bangladesh. Lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu. Các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nhất là đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…
Theo chiến lược Phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2 - 7,7%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai ngành năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD, năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD.
Năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 - 47 tỷ USD, còn ngành da giày khoảng phấn đấu đạt 27 - 28 tỷ USD.
Nguồn: Cafef.vn