Hàng dệt may Việt tìm chỗ đứng ở thị trường EU

Các tiêu chuẩn xanh của châu Âu đang được áp dụng ngày càng rộng và sâu hơn. Các quy định mới này mang tính chất đơn phương của EU, song lại là yêu cầu bắt buộc với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này.

Cùng với đó, khi sản phẩm Việt có yếu tố phát triển bền vững sẽ giúp cho doanh nghiệp (DN) nâng tầm giá trị, xây dựng được các thương hiệu của người Việt Nam tại thị trường châu Âu.

Ngành dệt may thúc đẩy hoạt động tái chế, tuần hoàn

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, EU đã đề ra chiến lược mới cho ngành dệt may bằng cách đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn. Theo đó, EU cũng đang xem xét giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc.

383354570_855213379349647_3480819810745387928_n.jpg -0Phát triển bền vững nếu được thực thi hiệu quả sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng tầm giá trị.

Điều này buộc DN phải chịu trách nhiệm về cách sản phẩm của họ được xử lý, tái chế hoặc sửa chữa. Tại EU, hàng dệt may hướng tới mục tiêu cuối cùng không phải chôn lấp mà là tái chế. Tháng 4/2023, Hội nghị Bộ trưởng của các nước EU đã thông qua quy định về Ecodesign (thiết kế sinh thái).

“Khi EPR cũng như các quy định khác được áp dụng, điều đáng lo ngại là DN dệt may Việt Nam khó có thể xuất khẩu (XK) sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình. Nguyên do, EU yêu cầu các thương hiệu phải xây dựng được chuỗi cửa hàng thu mua, sửa chữa sản phẩm. Trong khi đó, DN Việt Nam hiện chủ yếu gia công cho các nhãn hàng của EU, DN EU chịu trách nhiệm với các hoạt động liên quan đến EPR”, ông Trần Ngọc Quân nói.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong, chỉ 5-10 năm tự phân hủy.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 26/9, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, tiêu chuẩn xanh là yếu tố rất quan trọng và mang tính bền vững với ngành dệt may. Bởi trong tất cả thị trường XK chính của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đều đề cao yếu tố phát triển bền vững sản xuất xanh. Đáng chú ý, thị trường châu Âu đặt yếu tố xanh lên hàng đầu đối với nhà sản xuất hàng dệt may và đến năm 2025, thị trường khu vực này sẽ đánh thuế cao carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.

Theo ông Việt, để sản xuất xanh thì phải xanh từ đầu vào đến đầu ra, từ khâu thiết kế, lựa chọn nguyên liệu, công nghệ đến tiêu dùng. Điều này đối với DN lớn thì có thể chủ động làm được, còn đối với DN nhỏ chỉ làm gia công thì khó nên cần có chính sách hỗ trợ cụ thể. Đây là thời điểm tốt để DN dệt may đầu tư cho sản xuất xanh, khi làm chuẩn hoá từ đầu sẽ giảm được rất nhiều chi phí và nắm bắt được cơ hội.

Như với Việt Thắng Jean, khi có hiệp định EVFTA, DN đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền sản xuất, mua thiết bị công nghệ của Đức, Italia… Hiện nay, “châu Âu là thị trường đánh giá các tiêu chuẩn sản xuất xanh khắt khe nhất thế giới, từ nguyên liệu, công nghệ, lợi ích xã hội và khả năng tái chế theo tiêu chuẩn Ecotech mà thị trường khu vực này đặt ra. Hiện tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ecotech của Việt Thắng Jean đang chiếm 35% cơ cấu sản xuất của DN. Và đây cũng là nhóm sản phẩm có thị trường ổn định hơn vì được người tiêu dùng EU đón nhận”, ông Việt cho hay.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, bên cạnh sự sụt giảm về đơn hàng bởi tác động của kinh tế, DN dệt may Việt Nam còn đang đối diện với thách thức lớn. Theo đó, trong cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là những yêu cầu mà những nhãn hàng đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng. Một thách thức nữa là vấn đề phát triển bền vững, xanh hóa, cùng các tiêu chuẩn như về lao động, minh bạch sản xuất.

Liên quan đến câu chuyện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quan trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, mặt hàng dệt may cũng là nhóm mặt hàng có tác động đến môi trường lớn ở EU, cho nên nằm trong nhóm 30 mặt hàng trong diện rủi ro có thể được đưa vào cơ chế CBAM từ giờ đến 2030. Hiện mặt hàng dệt may chưa bị đưa vào đối tượng áp dụng CBAM giai đoạn đầu tiên.

Về vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, yếu tố phát triển bền vững nếu được thực thi hiệu quả sẽ giúp cho DN nâng tầm giá trị và cũng giúp DN định hướng xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của DN Việt Nam tại thị trường châu Âu.

Doanh nghiệp cần trợ lực để chuyển đổi xanh

Theo ông Vũ Đức Giang, hiện những DN lớn như May Việt Tiến, May 10, May Bảo Minh, Đồng Tiến… đều đã phải chấp nhận “luật chơi” mà các nước nhập khẩu đặt ra nhưng DN nhỏ sẽ không dễ. Do vậy, để thích ứng, DN cũng cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thứ hai, giữ chân khách hàng bằng cách tạm thời chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và nhằm xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của DN.

Ở góc độ DN, ông Vương Đức Anh chia sẻ, chúng tôi xác định phát triển bền vững là một câu chuyện dài hơi. Ở góc độ chủ động, DN sẽ có những hành động liên quan đến thay đổi nhận thức, thay đổi về đội ngũ nhân sự. Tuy nhiên, muốn đáp ứng được tất cả yêu cầu phát triển bền vững thì cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt chính sách.

“Bởi vì làm hàng dệt may xanh hoàn toàn thì sản phẩm cuối cùng chắc chắn sẽ rất đắt tiền. Chi phí đối với một sản phẩm xanh hoàn thiện như vậy chắc chắn phải cao hơn so với sản phẩm thông thường hơn 50%”, ông Vương Đức Anh nhận định.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, trong bối cảnh Việt Nam có hơn 13.000 DN dệt may, trong đó hơn 90% DN vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính không lớn. Họ không có điều kiện thực hiện các nghiên cứu xanh, chuyển đổi xanh. Chính vì thế, việc xác định thực hiện xanh hóa, nghiên cứu sản xuất sản phẩm tuần hoàn là chiến lược lâu dài. Muốn duy trì bền vững ngành Dệt may Việt Nam cũng cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước, thông qua chính sách.

Chia sẻ về lộ trình và cách thức chuyển đổi, bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM cho rằng, lộ trình hiện nay đang ngắn lại, đặc biệt với CBAM, giai đoạn từ lúc phê duyệt đến lúc chính thức có hiệu lực chỉ có 5 tháng. “Bản thân các DN trong nước hiện nay cũng chưa quen thuộc và chưa có nhiều DN đủ năng lực để xây dựng báo cáo liên quan đến phát thải khí nhà kính”, bà Nguyễn Hồng Loan nhận định và cho biết thêm, với những DN không có sự chuẩn bị trước, không có lộ trình thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu của châu Âu.

Bà Nguyễn Hồng Loan khuyến nghị, các DN không nên chờ đợi đến khi EU có chính sách thì mới bắt đầu đối phó một cách gấp rút. “Các DN nên chủ động xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, quản trị và xã hội của mình để chuẩn bị sẵn về nhận thức, năng lực. Khi có yêu cầu chuyển đổi thì chỉ cần trao đổi với phía châu Âu để công nhận những tiêu chuẩn của chúng ta hoặc chỉ cần điều chỉnh thực hành một chút đã có thể áp dụng rồi. Nhưng cũng có lộ trình chứ cũng không cần phải chuyển đổi nhanh và ngay lập tức”, bà Nguyễn Hồng Loan chia sẻ.

Nguồn: Cand.com.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/