Xuất khẩu dệt may vào EU giảm sâu, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo gì?

Xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào thị trường EU đang sụt giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023 do thiếu đơn hàng.

Xuất khẩu giảm sâu vì sức mua yếu

Thông tin tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU do Bộ Công Thương phối hợp UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 14/9, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)- cho biết: Năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố lạm phát, bất ổn chính trị kìm hãm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có EU - do hàng dệt may do không phải là hàng thiết yếu nên bị sụt giảm đơn hàng.

Riêng với thị trường EU, theo ông Vũ Đức Giang, trong 7 tháng đầu năm 2023, dệt may xuất khẩu vào EU đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8/2023 xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ được 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ và nhiều khả năng tháng 9/2023 này sẽ tiếp tục giảm sâu.

Xuất khẩu dệt may vào EU giảm sâu, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo gì?
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ về những yêu cầu hiện nay mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thích ứng để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Dẫn thông tin những nhãn hàng lớn giảm đơn hàng từ Việt Nam, ông Vũ Đức Giang nói: Đơn hàng Decathlon, Nike, Adidas đã giảm mạnh trong 8 tháng qua.

Bên cạnh sự sụt giảm về đơn hàng bởi tác động của kinh tế, ông Vũ Đức Giang cho biết doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn đang đối diện với thách thức lớn. Theo đó, trong cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là những yêu cầu mà những nhãn hàng đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng.

Một thách thức nữa theo ông Vũ Đức Giang đó là vấn đề phát triển bền vững, xanh hóa, cùng các tiêu chuẩn như về lao động, minh bạch sản xuất. “Vấn đề này doanh nghiệp lớn không đáng ngại nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là thách thức. Thách thức này là tài chính đầu tư hạ tầng, đầu tư đảm bảo môi trường, giảm khí thải, chuyển đổi sản xuất từ nồi hơi đốt than đá- củi sang nồi đốt điện”- ông Vũ Đức Giang bày tỏ.

Phải thay đổi để giữ thị trường

Theo ông Giang, hiện những doanh nghiệp lớn như May Việt Tiến, May 10, May Bảo Minh, Đồng Tiến… đều đã phải chấp nhận “luật chơi” mà các nước nhập khẩu đặt ra nhưng doanh nghiệp nhỏ sẽ không dễ.

Trong bối cảnh đó, ông Vũ Đức Giang cho biết, VITAS có những lưu ý để doanh nghiệp Việt kịp thời thay đổi, thích ứng như: Doanh nghiệp cũng cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thứ hai, giữ chân khách hàng bằng cách tạm thời chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và nhằm xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

Về phía VITAS, theo ông Vũ Đức Giang: Hiệp hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính phủ; phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực...; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp.

“Chúng tôi luôn luôn tổ chức hội thảo chuyên đề với sự tham gia của nhãn hàng nhằm chia sẻ thông tin cho doanh nghiệp chủ động thích ứng. Chúng tôi cũng khuyến cáo doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu đòi hỏi tổ chức đánh giá của bên thứ 3 mà nhãn hàng thuê, trong đó môi trường an toàn xanh sạch, chuyển đổi sang hệ thống nồi hơi điện rồi hệ thống môi trường, đầu tư phần mềm để đảm bảo tính minh bạch trong phát triển…”- ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Nguồn: Congthuong.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/