Xuất khẩu dệt may sắp bước qua thời kỳ ảm đạm
Dù sụt giảm tổng cầu được dự báo sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam đến đầu năm 2024, số liệu cho thấy đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng ngành dệt may sẽ phục hồi trong những tháng tới.
Xuất khẩu dệt may tháng 8 tăng 1,26% so với tháng trước
Xuất khẩu dệt may tháng 8/2023 ước đạt 3,91 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8/2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may (hàng dệt và may mặc) của Việt Nam ước đạt 3,91 tỷ USD, tăng 1,26% so với tháng 7/2023, song giảm 15,42% so với tháng 6/2022.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước ước đạt 26,93 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Công Thương đánh giá, mức giảm này chậm lại so với mức giảm 16,89% trong 6 tháng so với cùng kỳ năm 2022; chậm lại so với mức giảm 17,62% trong 5 tháng, song tăng 2,55% so với 8 tháng đầu năm 2019.
Dự báo, nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 có khả năng giảm 8 - 10%, sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022.
Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Được biết, gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng khởi sắc hơn.
Doanh nghiệp tìm cách duy trì sản lượng
Công bố mới nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) cho thấy, doanh thu tiêu thụ tháng 8/2023 của Dệt may TNG đạt 721 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 8/2022 nhưng giảm gần 8% so với tháng 7/2023.
Luỹ kế 8 tháng, Dệt may TNG ghi nhận 4.837 tỷ đồng doanh thu, tăng 132 tỷ đồng tương ứng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu cả năm nay.
Dệt may TNG đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu cả năm nay sau 8 tháng đầu năm
Dệt may TNG là một trong số ít doanh nghiệp dệt may ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong bối cảnh toàn ngành dệt may Việt Nam chịu tác động nặng nề vì thiếu đơn hàng, khi sức mua tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm mạnh. Các khách hàng lớn nhất của Dệt may TNG hiện nay là Decathlon, Nike, ANF, Adidas, Tomtailor…
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Dệt may TNG, để đảm bảo đơn hàng cho sản xuất, doanh nghiệp này đã tạo kết nối và khai thác thêm các khách hàng mới, định hướng chiến lược dòng hàng, thu hút khách hàng trực tiếp.
Ngoài ra, theo đánh giá của một số hãng chứng khoán, việc Dệt may TNG vẫn duy trì ổn định các đơn hàng xuất khẩu là nhờ doanh nghiệp này chấp nhận đơn hàng với biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng. Điều này được phản ánh qua việc biên lợi nhuận gộp của Dệt may TNG trong nửa đầu năm nay thấp hơn so với mặt bằng chung.
FPT Securities vừa cho biết tiến độ đặt đơn hàng mới từ các đối tác của Dệt may TNG đang diễn ra tương đối chậm so với năm ngoái. Tới tháng 8 vừa qua, Dệt may TNG mới nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 10 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho quý 4/2023. Trong khi vào tháng 7/2022, Dệt may TNG đã nhận đủ đơn hàng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm.
BVSC khẳng định, chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành dệt, sản xuất sợi đã có diễn biến tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ
Dù vậy, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã cổ phiếu VGT - sàn UPCoM), đơn vị dệt may hàng đầu Việt Nam, nhận định ngành dệt may Việt Nam đã qua “đáy xấu nhất”. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho biết hơn một nửa khách hàng của tập đoàn này đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.
Tương tự, SSI Research nhận định đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quý 4/2023. Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện cũng lưu ý các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần lưu ý về rủi ro quy mô đơn hàng bị giảm và rủi ro tỷ giá.
SSI Research hiện dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022, và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB. Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.
Hơn nữa, Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự kiến xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn