Chuyển đổi số và bài toán khó giải của ngành dệt may Việt Nam
Mỗi quản lý cấp trung có mặt ở hơn 40 group công việc khác nhau trên zalo, đó là một trong những bài toán cần giải của ngành dệt may khi chuyển đổi số.
Bài toán nan giải của ngành dệt may Việt Nam
Việt Nam hiện là một trong những trung tâm sản xuất chính của ngành may mặc toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của ngành dệt may Việt Nam đạt 43 tỷ USD. Nước ta hiện xếp thứ 3 trong danh sách các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Ngành dệt may Việt Nam dù có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng vẫn phần nhiều hoạt động thủ công. Chuyển đổi số trong ngành dệt may diễn ra chậm hơn so với các ngành khác do tính chất đặc thù với rất nhiều công đoạn. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực dệt may, khó kiếm được người có tầm nhìn về chuyển đổi số nhưng lại am hiểu về ngành.
Công nhân trong một dây chuyền sản xuất đồ may mặc. Ảnh: Nam Khánh.
Khảo sát của Retex cho thấy, mỗi doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường có khoảng 500 đến 1.000 lao động. Trong ngành dệt may, việc quản trị sản xuất thường được thực hiện theo các dây chuyền. Cứ sau mỗi 1 tiếng đồng hồ, sẽ có người chạy qua từng dây chuyền để kiểm tra tiến độ sản xuất, sau đó nhập thủ công vào file excel để gửi cho lãnh đạo.
Việc liên lạc, chỉ đạo giữa các bộ phận trong nhà máy chủ yếu là qua zalo. Mỗi một quản lý cấp trung trong ngành dệt may trung bình có mặt ở hơn 40 group zalo khác nhau.
Thực tế này khiến lãnh đạo, quản lý nhà máy không đánh giá được chất lượng, tiến độ từng bộ phận. Họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc ra quyết định khi xử lý sự cố, nhất là khi phải điều hành công việc từ xa, trong thời gian đi công tác, trong khi không có dữ liệu cụ thể.
Chuyển đổi số thay đổi bộ mặt ngành dệt may thế nào?
Nhận thấy những bất cập trong việc quản lý các xưởng may theo cách truyền thống, từ năm 2019, một nhóm bạn trẻ đã phát triển và cho ra đời Retex - nền tảng quản lý quy trình sản xuất ngành may mặc. Đây là nền tảng được ra đời với sứ mạng chuyển đổi số ngành dệt may và góp phần cho ra đời các nhà xưởng thông minh.
Nền tảng Retex được xây dựng dựa trên công nghệ điện toán đám mây. Hệ thống này bao gồm nhiều thiết bị được gắn trực tiếp tại dây chuyền sản xuất. Cứ sau vài tiếng đồng hồ, công nhân chỉ cần nhập thông tin về năng suất lao động trên app, dữ liệu sẽ được thu thập, tổng hợp và theo dõi bởi người quản lý.
Ứng dụng công nghệ trong một dây chuyền sản xuất dệt may của Vinatex.
Theo ông Nguyễn Văn Minh Đức, CTO Retex, nhờ được đưa lên “cloud”, dữ liệu từ các dây chuyền, xưởng may luôn cập nhật trực tuyến, thường xuyên cho lãnh đạo nhà máy. Điều này giúp giảm độ trễ trong khâu thu thập dữ liệu, việc đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc của từng phòng ban cũng rõ ràng hơn.
“Khi ứng dụng chuyển đổi số, lãnh đạo các nhà máy có thể quản lý một lúc hàng nghìn công nhân. Báo cáo từ hệ thống còn giúp phân tích hiệu suất tổng quan nhà máy về doanh thu, sản lượng, năng suất từng dây chuyền trong thời gian thực, các đơn hàng xử lý xong chưa, tỷ lệ lỗi ra sao”, ông Đức chia sẻ.
Thống kê của Retex cho thấy, sau 12 tháng triển khai tại Vinatex Đà Nẵng, việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp đơn vị này tăng 20% năng suất lao động, giảm 15% thời gian và 10% chi phí vận hành.
Mọi thông tin về sản lượng, hiệu suất của dây chuyền may mặc đều được cập nhật theo thời gian thực.
Bên cạnh việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, nền tảng này còn đóng vai trò kết nối nhà xưởng với các thương hiệu, giúp nhãn hàng quản lý quy trình sản xuất, nguyên phụ liệu,... Ở Việt Nam hiện có khoảng 7.000 xưởng dệt may, Retex hiện đã tiếp cận được khoảng 100 nơi trong số đó, giúp mang về hơn 1.000 đơn hàng mới cho các doanh nghiệp này.
Thông qua nền tảng, các nhà xưởng chuyển đổi số đã tăng gấp 10 lần tỷ lệ tìm kiếm đơn hàng. Không chỉ vậy, 50% khách hàng của những đơn vị này có xu hướng quay lại do thích sự minh bạch và được giảm tải đáng kể thời gian quản lý nhờ công nghệ số.
Theo CTO Retex, nếu coi giá trị mỗi đôi giày là 100 USD thì 50 USD thuộc về các đơn vị nắm giữ thương hiệu, 24 USD nằm trong tay các bên phân phối, bán lẻ. Trong khi đó, chi phí cho người lao động trực tiếp làm ra nó chỉ chiếm có 4,6 USD, chưa đến 5% giá trị.
Tuy Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc ở mức cao, thế nhưng giá trị thực sự nhận về luôn ở mức thấp vì chúng ta chỉ đơn thuần tham gia vào khâu sản xuất. Nói cách khác, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam luôn ở dưới đáy “đường cong nụ cười”.
Điều này sẽ có thể thay đổi nhờ chuyển đổi số, khi các doanh nghiệp, người công nhân Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các mắt xích khác trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: Vietnamnet.vn