-
|
Sản xuất, xuất khẩu của nhiều ngành hàng có dấu hiệu phục hồi
|
Thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu
Ông Phạm Tùng Linh- Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Đức Giang cho rằng, 6 tháng đầu năm doanh nghiệp dệt may rất khó khăn, tuy nhiên từ quý III-2023, thị trường có dấu hiệu tích cực hơn, đặc biệt từ thị trường Hoa Kỳ và EU, đơn hàng đã quay trở lại.
Hiện, Đức Giang đã có đơn hàng hết năm 2023, và đang tìm kiếm đơn hàng cho năm 2024. Doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ kết nối được Uniqlo, hệ thống AEON, Walmart.
Đại diện một số doanh nghiệp dệt may khác cũng cho biết, đơn hàng dệt may đã cải thiện sau thời gian khá dài chững lại. Tín hiệu tích cực nhất được ghi nhận từ thị trường Hoa Kỳ.
Với ngành thủy sản, thị trường xuất khẩu cũng bắt đầu khởi sắc hơn vào cuối năm 2023 và sang năm 2024. Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9 tỷ USD trong năm nay chắc chắn vẫn đạt được còn để đạt 10 tỷ USD thì cần nỗ lực khai thác thị trường hơn nữa.
Theo bà Hoàng Thị Liên- Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện Hiệp hội đang đẩy mạnh xuất khẩu và mong muốn tham gia vào hệ thống bán lẻ của thị trường EU (Pháp, Bỉ…), Hoa Kỳ, Anh và các thị trường Đông Âu. Một số DN đã thâm nhập vào hệ thống bán lẻ, gia công sản phẩm cho nhiều nhà bán lẻ ở Australia và Mỹ.
“Nhiều nhà mua hàng đã sang khảo sát nhà máy, tin tưởng và đặt hàng. Tiêu sạch, xanh, an toàn, sản phẩm gia vị của doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của EU, năng lực cung ứng có doanh nghiệp có thể xuất khẩu 1-2 container 40 fit gia vị mỗi tháng.
Hiệp hội kiến nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh kết nối với các nhà mua hàng như Walmart, Amazon, tiếp thị từng bước một để vào được các thị trường lớn”- bà Hoàng Thị Liên nói.
Phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường
Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, để có thể tiếp cận thị trường, nhà mua hàng, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu xu hướng mới trong sản xuất và tiêu dùng của thế giới; Như xu hướng tiêu thụ tại Bỉ và EU, về vấn đề tiêu dùng, thực phẩm đều hướng đến sản phẩm xanh sạch. Sản phẩm dệt may, da giầy cũng hướng tới xanh, sạch, bền vững với môi trường.
“Hiện, DN Bỉ ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam, trong đó tận dụng cơ hội về thuế trong EVFTA”- ông Trần Ngọc Quân cho hay.
Ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ San Francisco cũng cho hay, Hoa Kỳ là thị trường lớn và tiêu chuẩn về sản phẩm tương đồng với EU. Để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, doanh nghiệp nên tận dụng những thị trường ngách như phân khúc khách hàng là doanh nghiệp gốc Mỹ La Tinh, bởi về chất lượng, sản phẩm nhóm này khá phù hợp với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Họ sẽ phân phối sản phẩm của Việt Nam vào Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Ở vai trò người mua hàng, ông Nguyễn Đức Trọng- Trưởng phòng cấp cao - phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á, Walmart cho biết, Walmart mong muốn tìm đối tác trong 6 lĩnh vực gồm: Quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Còn đại diện Tập đoàn AEON tại Việt Nam, mục tiêu chính của đoàn thu mua là tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của AEON để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn trong hệ thống AEON TopValu toàn cầu.
“Quan điểm mua hàng của Aeon rất đơn giản là làm sao để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giá cả cũng là mức giá tương xứng với chất lượng của sản phẩm.
Tiêu chuẩn chất lượng cũng có quy định riêng biệt dựa trên phản ánh của khách hàng về nhu cầu khi tới mua sắm. Do vậy, doanh nghiệp cần nỗ lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất tích hợp để tối ưu hoá quy trình và tăng cường hiệu quả sản xuất”- đại diện AEON tại Việt Nam nói.
Nguồn: Anninhthudo.vn