Tăng cường tính liên kết
Tỷ phú Warren Buffett nổi tiếng của Mỹ từng nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Câu nói này khá đúng với hoàn cảnh các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, muốn chuyển mình chuyển đổi phát triển bền vững nhưng thế và lực còn hạn chế.
Tiến sỹ Phạm Thị Hồng Phượng - Giảng viên chính Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết, đề án nghiên cứu sản xuất vải từ sợi bẹ chuối và lá dứa của bà đã thành công, nhưng sản phẩm vẫn chưa thể ra mắt thị trường do giá thành sản xuất khoảng 200.000 đồng/kg xơ. Trong khi, sợi nhập khẩu giá cao nhất hiện nay chỉ khoảng 80.000 đồng/kg.
Theo bà Phượng, câu chuyện khó khăn ở đây là dự án rất lớn, một doanh nghiệp không thể làm nổi. Việt Nam có nhiều hiệp hội, nhưng các doanh nghiệp còn thiếu tính liên kết, vẫn đang tự thân vận động mà không biết tận dụng sức mạnh của hiệp hội.
“Chúng tôi cần sự liên kết nhiều doanh nghiệp với nhau. Vì trong chuỗi dệt may, công đoạn sau là khách hàng của công đoạn trước tạo thành chuỗi tuần hoàn. Tôi sẽ đưa đề án về hiệp hội, đào tạo miễn phí, doanh nghiệp được thụ hưởng, ứng dụng để giảm chi phí sản xuất. Về phía doanh nghiệp cần có sự mạnh dạn chuyển đổi”, bà Phượng nói.
Theo Tiến sỹ Trương Thị Ái Nhi - chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), dệt may Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ, vốn, … nhưng Việt Nam vẫn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước về những liên minh cộng sinh - công cụ hiệu quả đã giúp các doanh nghiệp các nước giải quyết được các bài toán còn thiếu hụt của mình.
Điển hình như mô hình tuần hoàn trên toàn bộ chuỗi giá trị của ngành dệt may và thời trang Thụy Điển. Họ có những doanh nghiệp làm cùng nhau từ bao bì và đóng gói. Khách hàng có thể sử dụng bao bì để gửi lại hàng hóa.
Các mô hình dịch vụ cho thuê quần áo thiết kế; mô hình bán hàng đã qua sử dụng trực tuyến; mô hình dịch vụ sửa chữa trang phục nhanh B2C, B2B; chương trình thu hồi và bán lại các mẫu cũ; mô hình thiết kế trang phục có thể tháo rời và kéo dài tuổi thọ; mô hình giảm và tái sử dụng vật liệu; mô hình vận chuyển tuần hoàn,…
Phillipnes có Liên minh doanh nghiệp chế biến vật liệu từ phế phẩm nông nghiệp (Fibral Material). Liên minh gồm rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức và nông dân sản xuất, tiêu thụ các loại sợi vải mới từ thực vật như lá và phế phẩm nông nghiệp.
Trung Quốc có Liên minh khu vực công trong nước thúc đẩy chuyển đổi công nghệ. Liên minh này hướng đến giải quyết các bất cập trong quá trình chuyển đổi sang các thực hành kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp dệt may, da giày vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở tỉnh Hồ Châu và Thiệu Hưng.
Bangladesh có Liên minh đối tác quốc tế thúc đẩy thời trang tuần hoàn (CFP). Khi họ chuyển mình, một trong những điều họ làm tốt là đã truyền tải được định hướng và tư duy của mình cho thế giới biết họ làm gì. Việc đó được lặp đi, lặp lại và lan truyền. Thế giới định vị được họ là ai và mang lại lợi ích cho ngành thời trang Bangladesh.
Ở Nhật Bản, Liên đoàn dệt may nước này đã nghiên cứu, tập hợp và phát hành bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp để chuyển đổi xanh.
Đồng bộ các giải pháp
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội - một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Theo dự báo gần nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần, nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023. Do nhiều doanh nghiệp chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV.
Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm trên 50% so với bình thường.
Do vậy, để phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu từ 39 - 40 tỷ USD năm 2023, cũng như thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển dệt may Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, đòi hỏi phải đồng bộ nhiều giải pháp.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác bảo vệ môi trường, hoàn thiện chính sách, pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về môi trường liên quan đến ngành, đảm bảo tính minh bạch, khả thi và thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đánh giá lại mức độ ảnh hưởng về môi trường của công đoạn dệt nhuộm, hoàn tất, thuộc da để điều chỉnh các tiêu chí về môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế và trình độ khoa học công nghệ hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thu hút đầu tư phát triển ngành.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan phổ biến rộng rãi thông tin về công nghệ mới, thân thiện môi trường trong lĩnh vực dệt may, da giày, xác định công nghệ khuyến khích đầu tư làm cơ sở cho việc phê duyệt, thẩm định các dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án nhạy cảm về vấn đề môi trường.
Ở góc độ vốn và các giải pháp tài chính, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cho biết, ngày 24/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh; trong đó, khoản 8, điều 5 quy định giao vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố theo đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, mức, thời gian hỗ trợ, do Hội đồng nhân dân quy định.
Theo dự thảo trình Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh để thông qua, dự kiến trong tháng 8 này, hoặc chậm nhất là tháng 9 tới, các cơ quan dự thảo đã đưa các doanh nghiệp sản xuất phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ của dệt may và da giày vào đối tượng hỗ trợ 50% lãi vay.
Tuy nhiên, lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa được đưa vào chương trình dự thảo. Vì thế, HFIC và các cơ quan chức năng dự thảo mong muốn nhận được ý kiến chính thức của các hiệp hội để bổ sung vào danh mục các doanh nghiệp, dự án để Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ lãi suất cho vay.
Theo ông Thanh, để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, các doanh nghiệp chỉ cần có phương án vay vốn khả thi, tài chính doanh nghiệp lành mạnh, không có nợ xấu và có tài sản bảo đảm. Trong trường hợp khó khăn, HFIC có đội ngũ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án khả thi. Đầu mối tiếp nhận thông tin có thể trực tiếp liên hệ với HFIC hoặc qua các hiệp hội ngành hàng.
Về các nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài, theo bà Nhi, có rất nhiều nguồn quỹ từ nước ngoài hỗ trợ cho những ý tưởng, dự án về đổi mới sáng tạo, cải tiến, phát triển bền vững, giảm phát thải... Các doanh nghiệp có thể thông qua các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các viện nghiên cứu khoa học, các hiệp hội hoặc trực tiếp liên hệ để có thể kết nối với các nguồn quỹ này, góp phần giúp các doanh nghiệp hiện thực hóa các dự án, lộ trình và mục tiêu của mình.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Một là, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Hai là, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.
Ba là, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.
VITAS sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh - sạch - bền vững; phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn, tái chế, chuyển đổi số, …; tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp.
Ở góc độ quản trị doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu và lộ trình chuyển đổi là kế hoạch dài hạn, đồng thời phải đảm bảo tính linh hoạt trong bối cảnh thị trường quốc tế liên tục biến động.
Về tổng thể, chuyển đổi cần gắn kết số hóa và xanh hóa, tránh tản mát, cục bộ. Lộ trình chuyển đổi cần chi tiết hóa các hành động chính cần thực hiện và đặt ra các mục tiêu và cam kết. Các chỉ số sẽ được sử dụng để đánh giá và giám sát hiệu suất.
Chủ động hợp tác với các đối tác ở cấp độ toàn cầu, khu vực và song phương; chủ động đưa ra các sáng kiến thay vì phải cố gắng đuổi theo các xu hướng của toàn cầu. Vì với sáng kiến khả thi, sẽ có những nguồn lực tìm đến doanh nghiệp để hiện thực hóa.
Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tự chủ nguồn cung vật liệu nội địa, đa dạng hoá nguồn cung nguyên liệu; tận dụng và tối ưu hoá đầu vào thông qua thiết kế, phát triển và sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu tái tạo, tái sinh; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; đẩy mạnh mạng lưới liên kết bền vững các doanh nghiệp trong ngành và các bên liên quan theo chuỗi giá trị; xây dựng và ứng dụng cơ sở dữ liệu thông tin thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.