Nội dung này được phản ánh trong 2 bài viết với chủ đề chuyển đổi ngành dệt may phát triển bền vững.
Bài 1: Lộ trình cho chuyển đổi
Kinh tế thế giới và môi trường khí hậu toàn cầu đang có nhiều biến đổi bất lợi. Để thích ứng, các nước đang dần dịch chuyển sang mô hình phát triển bền vững. Ngành dệt may Việt Nam muốn tồn tại và phát triển phải nhận thức rõ và bắt kịp xu hướng này. Đồng thời việc chuyển đổi cần theo lộ trình để doanh nghiệp kịp thời thời thích ứng trong bối cảnh đang tìm cách phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới.
Dệt may là một trong những ngành tiêu dùng lớn, sử dụng nhiều lao động, quỹ đất và tài nguyên. Việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dệt may là một trong các nguyên nhân gây tác động tiêu cực đến môi trường. Chính vì thế, nó tạo ra nhu cầu bức thiết là phát triển ngành theo hướng bền vững, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện hơn với môi trường.
Bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cho biết, sản lượng dệt may toàn cầu tăng gần gấp đôi từ năm 2000 - 2015 và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Mức tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến tăng 63% vào năm 2030.
Các nhà bảo vệ môi trường tính toán, nếu tăng vòng đời sản phẩm dệt may thêm 9 tháng sẽ giảm được từ 20 - 30% khí thải carbon, nước, chất thải và giảm được 20% chi phí sản xuất. Tuy nhiên, mới chỉ có 1% sản phẩm dệt may được sản xuất theo quy trình tuần hoàn.
Do vậy, từ năm 2017, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã ban hành Hướng dẫn thẩm định của OECD đối với chuỗi cung ứng có trách nhiệm trong lĩnh vực may mặc và giày dép. EU - thị trường nhập khẩu chủ lực của hàng dệt may Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược về dệt may tuần hoàn và bền vững để thực hiện các cam kết của Thỏa thuận xanh châu Âu.
Theo số liệu của EU, khoảng 73% hàng dệt may tiêu thụ ở EU được nhập khẩu từ các thị trường ngoại khối. EU sản xuất 7,4 kg hàng dệt/người trong khi tiêu thụ gần 26 kg nên thị trường này luôn trong tình trạng nhập siêu. Trước dịch COVID-19, EU là một trong những nhà nhập khẩu quần áo lớn nhất toàn cầu lên đến 80 tỷ Euro năm 2019.
Chiến lược trên huy động các nhà thiết kế, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ, nhà quảng cáo và công dân EU xác định lại thời trang của khối. Theo đó, các sản phẩm dệt may bền vững sẽ trở thành tiêu chuẩn ở EU. Chiến lược đề xuất các hành động cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may; cách hàng dệt may được thiết kế và tiêu thụ; việc cấm tiêu hủy các sản phẩm không bán được trong một số điều kiện nhất định; về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất thông qua trả phí điều chỉnh sinh thái,...
Trước sự tác động tổng hòa từ cả phía cung và cầu, từ môi trường vĩ mô là các quy định, chính sách của nhà nước và các bên liên quan, thúc đẩy ngành dệt may phải chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để có thể chuyển đổi bắt kịp xu hướng.
Theo Tiến sỹ Trương Thị Ái Nhi - chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), mặc dù là nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, nhưng ngành dệt may Việt Nam đang nằm ở vị thế dễ bị tổn thương. Do Việt Nam gia công là chủ yếu, chưa làm chủ được nguồn cung, chưa nắm được đầu ra của sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hoá của ngành chỉ đạt khoảng 30-35%.
Khâu dệt nhuộm chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, nỗ lực bền vững hóa của các dự án dệt - nhuộm chưa nhận được sự ghi nhận, cấp phép và đồng hành từ một số địa phương.
Sự kết nối trong và ngoài ngành để tạo ra hệ sinh thái tuần hoàn bền vững cho ngành chưa được hình thành. Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao và cố vấn phục vụ cho việc chuyển đổi vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ngoài ra, để chuyển đổi đòi hỏi vốn lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện đáp ứng. Những biến động về kinh tế - chính trị - xã hội toàn cầu ảnh hưởng đến xu thế và mức tiêu dùng gây ra nhiều lúng túng cho doanh nghiệp.
Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ, thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho việc chuyển đổi qua các mô hình bền vững, tuần hoàn.
Theo bà Linh, trong lộ trình chuyển đổi, EU có các chính sách để hỗ trợ các bên trong hệ sinh thái chuyển đổi xanh và số hóa, bao gồm cả việc xem xét các giải pháp công nghệ bền vững và mô hình kinh doanh sáng tạo.
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập, khi các nước khác chuyển đổi xanh, chi phí sản xuất của họ tăng lên. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi, chi phí thấp hơn, nhưng khi giải quyết bài toán phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp bất lợi.
Theo bà Linh, nếu bắt nhịp sớm xu hướng xanh hóa, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để chuyển đổi, nâng cao sức cạnh tranh, giữ được thị phần tốt hơn tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thời gian gần đây, việc thông tin nhấn mạnh về sự thành công của ngành dệt may một quốc gia cho xanh hóa sẽ khiến người ta dễ bỏ qua những khía cạnh khác của phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thúy - chuyên gia của Công ty TÜV Rheinland Việt Nam, công ty chuyên về kiểm nghiệm, đánh giá và chứng nhận sản phẩm cho các nhãn hàng và người mua trên khắp thế giới cho biết, những thông tin gần đây cho rằng Bangladesh có nhiều đơn hàng dệt may hơn Việt Nam do có nhiều nhà máy xanh là chưa chính xác.
Thực tế, Bangladesh có khoảng 200 nhà máy xanh, nhưng đó là chứng nhận GRS (tiêu chuẩn tái chế toàn cầu), chứ không phải là chứng nhận LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Trong khi đó, nhiều nhà máy tại Việt Nam cũng đã đạt tiêu chuẩn GRS này. Thậm chí, phía Bangladesh cũng rất ngạc nhiên khi thấy các nhà máy Việt Nam hiện đại hơn họ.
Theo bà Thúy, Bangladesh chỉ nhận những đơn hàng may đơn giản, chi phí thấp. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang tập trung vào phân khúc cao cấp hơn, thương hiệu địa phương, tự thiết kế và có độ khó cao hơn, chẳng hạn như may veston.
Nghiên cứu của ông Nguyễn Đỗ Thuyên - Thạc sĩ Chính sách công cấp bởi Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright dẫn: Báo cáo của WTO năm 2022 đã đưa ra khung đánh giá về năng lực cạnh tranh cho các quốc gia xuất khẩu dệt may. Theo đó, bền vững chỉ là một trong số 12 tiêu chí cấu thành nên năng lực cạnh tranh, bên cạnh chất lượng sản xuất, thời gian giao hàng, giá, lợi thế về thuế quan, độ ổn định chính trị…
Báo cáo lấy ý kiến của những người mua chấm điểm 12 tiêu chí trên cho 6 nước xuất khẩu dệt may. Kết quả, Bangladesh chỉ có 2 tiêu chí cao hơn Việt Nam, đó là giá và lợi thế thuế quan. Họ thấp hơn ở 10 tiêu chí còn lại. Ngay cả điểm số về bền vững vốn được nhiều cơ quan truyền thông khen ngợi, họ cũng ở mức thấp (2 điểm) so với Việt Nam (3,5 điểm).
Theo nghiên cứu của ông Thuyên, các nhà hoạch định ngành dệt may nên tìm hiểu xem Bangladesh đã làm gì để cải thiện tất cả các tiêu chí có liên quan, nếu muốn rút ra những khuyến nghị có tính toàn diện và thực chất, thay vì chỉ tập trung vào xanh hóa. Như việc khai thông tuyến đường thủy trực tiếp với Italy đã giúp Banglades rút ngắn thời gian giao hàng và tiết kiệm đến 40% chi phí hậu cần.
Theo ông Thuyên, quá nhấn mạnh xanh hóa dễ tạo thêm những kỳ vọng về mặt dư luận lên doanh nghiệp dệt may Việt Nam - vốn đang chật vật xoay sở với tình trạng thiếu đơn hàng, doanh số giảm, phải nỗ lực bảo toàn đồng lương cho công nhân và cố gắng không cắt giảm nhân lực.
Việc ngành dệt may hướng đến xanh hóa và phát triển bền vững là xu hương tất yếu, nhưng bối cảnh và lộ trình cũng quan trọng không kém. Không đặt kỳ vọng quá lớn rằng doanh nghiệp phải thực hiện những nghĩa vụ tự nguyện ở ngay tại thời điểm mà họ còn đang phải vất vả tìm cách sống sót trên thị trường, ông Thuyên nhấn mạnh.
Bài cuối: Tăng tính liên kết, đồng bộ các giải pháp