Xuất khẩu có thoát cảnh ‘ngủ đông’ trong nửa cuối năm?
Nhiều tín hiệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam có thể phục hồi trong giai đoạn nửa cuối năm khi sức cầu tiêu dùng ở thị trường Mỹ hồi phục, cùng với đó là các lễ hội cuối năm… Đây được xem là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt thoát khỏi trạng thái “ngủ đông”, chạy nước rút để về đích.
Dệt may là một trong những ngành “ngấm đòn” bởi sự suy giảm của tổng cầu thế giới. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, từ tháng 9 năm ngoái đến nay, đơn hàng may mặc của doanh nghiệp (DN) suy giảm mạnh. Hiện, DN đang phải nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từng tuần, từng ngày. DN kỳ vọng đơn hàng nhiều hơn vào quý IV, bùng nổ vào trong các tháng 11 và 12/2023.
Chờ tin vui từ thị trường Mỹ
Theo Tổng giám đốc May 10, sự suy giảm kinh tế Mỹ và 10 lần tăng lãi suất của FED ảnh hưởng lớn đến DN xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Vì vậy, đa số DN có XK hàng vào Mỹ đều cảm thấy trút bỏ gánh nặng khi FED không tiếp tục tăng lãi suất.
|
Dự báo xuất khẩu có nhiều cơ hội thuận lợi để tăng trưởng trong giai đoạn nửa cuối năm nay.
|
“Từ nay đến cuối năm, với những tín hiệu hồi phục của kinh tế Mỹ, rất hy vọng điểm sáng này sẽ tác động đến DN XK”, ông Việt nói.
Theo khảo sát, hàng tồn kho của các DN hiện nay tương đối lớn, nhất là DN dệt may, da giày và gỗ. DN cũng tranh thủ, nghe ngóng và tìm kiếm nhiều khách hàng khác để tăng khả năng xuất hàng, giảm gánh nặng tồn kho và cân bằng cán cân tài chính.
Bộ Công Thương đánh giá, FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,0 - 5,25% trong kỳ điều chỉnh tháng 6/2023 sẽ giúp cầu tiêu dùng của nước này phục hồi. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất những tháng cuối năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, bắt đầu từ quý III/2023, kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn “dễ thở” hơn khi lãi suất giữ nguyên, lạm phát được ngăn chặn, đưa tới kỳ vọng vào đà phục hồi của thị trường và tiêu dùng từ nay đến cuối năm.
Theo ông Hiếu, trạng thái “ngủ đông” của nhiều DN nhập khẩu Mỹ đã kéo dài gần một năm khi FED tăng lãi suất liên tục và lạm phát của Mỹ tăng mạnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, họ đã dần hồi phục, sẵn sàng nhập hàng. Hơn nữa, với khoảng gần 2 triệu người gốc Việt tại Mỹ, hàng Việt luôn được ưu tiên tiêu dùng.
“Nếu FED không tăng lãi suất và các biện pháp thắt chặt kinh tế của Mỹ được tháo dần, tiêu dùng Mỹ sẽ là động lực cho xuất, nhập khẩu. Chúng ta biết, Mỹ là nền kinh tế lấy tiêu dùng để tăng trưởng, vay tiêu dùng, mua sắm là rất lớn, khi lãi suất hạ sẽ tự kích hoạt lại cơ chế này, điều đó có tác động lớn đối với XK của Việt Nam”, ông Hiếu phân tích.
Chưa kể, xét riêng trong quý III và quý IV/2023, có rất nhiều ngày tiêu dùng của Mỹ như Black Friday, Lễ Tạ ơn, Giáng sinh và Tết Dương lịch… Chuỗi sự kiện này sẽ giúp mua sắm, tiêu dùng của Mỹ tăng lên, các mặt hàng thực phẩm, dệt may, da giày, đồ gỗ mỹ nghệ, điện tử… là trọng tâm tiêu dùng của người dân Mỹ.
Bước vào giai đoạn tăng tốc
Với ngành thủy sản, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) cũng nhìn nhận, ánh sáng dần lóe lên trong bối cảnh đầy u ám từ cuối quý III năm trước kéo dài đến nay.
Theo tình hình diễn tiến, sắp tới, tôm thương phẩm lưu thông ở các nước đều giảm mạnh vì giảm thả nuôi vừa qua và hiện nay hoặc cuối vụ. Đây là một nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán tăng mua dự trữ, vì theo quy luật cung cầu, chắc chắn tôm thương phẩm sẽ phục hồi từng bước. Nền tảng đáng lưu ý nữa là sắp tới sẽ là mùa tiêu thụ do có lễ hội (tháng 7 là Quốc khánh Mỹ, tháng 8 là lễ hội ở Nhật…), nhất là kế hoạch cho tiêu thụ dịp Noel và mừng Năm mới. Giai đoạn này, hàng chế biến sâu chiếm ưu thế tiêu thụ hơn so với hàng sơ chế hay chế biến cấp thấp, trong khi hàng tinh chế là lợi thế của các DN tôm Việt Nam.
Do đó, ông Lực đánh giá quý III sẽ là giai đoạn tăng tốc của ngành thủy sản nói chung và của ngành tôm nói riêng, hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fimex VN lưu ý, doanh số tiêu thụ tăng chỉ là một tín hiệu tốt nhưng chưa bền vững. Điều đáng quan tâm hơn là làm sao thuyết phục được người nuôi tôm an tâm thả giống nuôi. “Một bài toán quá khó, đòi hỏi thời gian cũng như sự chung tay của cả chuỗi ngành hàng, trong đó không thể thiếu vai trò hỗ trợ và quản lý nhà nước. Người nuôi tôm lại không thể chờ đợi, bởi sẽ sống bằng gì, cho nên cái khó ngành tôm sẽ không chỉ là nhất thời”, ông Lực chia sẻ.
Dù có những tín hiệu khả quan, Bộ Công Thương cũng đánh giá, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn. Và, XK trong thời gian tới cũng sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường XK, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn. Đồng thời, các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế DN tối thiểu toàn cầu, quy định của EU về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến rừng, các sản phẩm thủy sản khai thác...
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh XK, tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các DN. Hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh XK, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các hiệp định. Đồng thời, mở rộng thị trường XK cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử.
Nguồn:Vnbusiness.vn