Thiếu đơn hàng, đơn giá giảm trên 50%
Năm 2023, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm (năm 2021 tăng 6%; năm 2022 tăng 3%, dự báo năm 2023 chỉ trên dưới 2%).
Ngành dệt may theo đó chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022, tương ứng mức giảm 3,7 tỷ USD (cùng kỳ 2022 xuất khẩu đạt 22,3 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD).
Đáng chú ý, thực hiện xuất khẩu 5 tháng 2023 sang các thị trường lớn hầu hết đều giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Hoa Kỳ với mức 27,1%; tiếp đến là Canada giảm 10,9%; EU giảm 6,2%; Hàn Quốc giảm 2%; riêng Nhật Bản tăng 6,6%...
Lý giải về mức giảm sâu này, đại diện VITAS cho rằng không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 1.1.2023).
Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, chẳng hạn gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên khó khăn về nguồn vốn dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp quy mô.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp dệt may đối diện với khó khăn không chỉ về đói đơn hàng mà cả về đơn giá. Nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV tới. Bởi thế, doanh nghiệp phải chấp nhận đơn hàng không phải thế mạnh của mình. “Hiện, doanh nghiệp chỉ mong có đơn hàng để cầm cự chứ không nói đến việc lựa chọn đơn hàng, điều khác hẳn so với trước đây”, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VITAS Trương Văn Cẩm xác nhận.
Về đơn giá, hiện đã giảm ở mức rất sâu. Thậm chí, có những đơn giá giảm trên 50% so với bình thường. Điều này khiến các doanh nghiệp dệt may đã khó khăn càng thêm khó khăn, đại diện VITAS thông tin.
Ba vấn đề cốt lõi để cán đích xuất khẩu 40 tỷ USD
Dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu dệt may sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023. Trong bối cảnh đó, mục tiêu phấn đấu xuất khẩu đạt 39 - 40 tỷ USD của ngành dệt may là cực thách thức, khi 6 tháng đầu năm mới đạt 18,6 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu, các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác; xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài; khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.
Có thể thấy, ưu tiên giữ chân lao động là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp dệt may hiện nay. Song, theo ông Trương Văn Cẩm, nếu chỉ nỗ lực của riêng của doanh nghiệp là không đủ. Theo đó, Chính phủ cần xem xét hỗ trợ doanh nghiệp, như cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Các quỹ như Quỹ Công đoàn đang có kết dư, nên cho phép doanh nghiệp để lại khoản đóng quỹ 2% cho Công đoàn cơ sở để chăm lo chính người lao động ở cơ sở; giãn, hoãn đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên tiếp tục chính sách hỗ trợ về đào tạo cho người lao động như đã làm trong giai đoạn Covid-19. “Những gói hỗ trợ phục hồi sau Covid đã thực hiện mà hiệu quả, nhất là chưa sử dụng hết nguồn lực thì nên khởi động lại. Tinh thần là phải hỗ trợ doanh nghiệp ở mức tốt nhất, vì nếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ buộc phải sa thải lao động”, Phó Chủ tịch thường trực VITAS nhấn mạnh.
Ở vai trò Hiệp hội, đại diện lãnh đạo VITAS cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính phủ. Cùng với đó, phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực…; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, VITAS sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất kiến nghị, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan đến người lao động, giải pháp giữ chân khách hàng cũng như hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp; luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh - sạch - bền vững.
Nguồn:Daibieunhandan.vn