“Xanh hoá sản xuất” là cụm từ được nhắc đến nhiều tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo của ngành dệt may. Như lời ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xanh hoá không còn là xu hướng mà đã hiện hữu và được các doanh nghiệp dệt may đón nhận và đầu tư thích đáng. “Khoảng 50% doanh nghiệp dệt may đã “xanh hoá sản xuất” mới có thể có đơn hàng trong bối cảnh thị trường khó khăn, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay”, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói.
Công ty Dệt may Trung Quy được biết tới với độ chịu chi khi đầu tư hơn 270 tỷ đồng vào nhà xưởng 10.000 m2 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nhờ đó có thể tiến đến quy trình sản xuất xanh một cách nhanh chóng. Ở khâu nhuộm, dệt, doanh nghiệp có thể tiết kiệm 60 - 70% lượng nước so với công nghệ cũ, không chỉ giúp khép kín quy trình sản xuất, mà còn cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng, chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp may mặc trong nước, với năng suất 2 triệu mét vải/năm.
|
Khoảng 50% doanh nghiệp dệt may đã thực hiện xanh hóa sản xuất |
Đặc biệt, doanh nghiệp đã xuất khẩu 2 container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ, là lô hàng đầu tiên sau khi công ty chuyển sang mô hình sản xuất xanh từ cuối năm 2022. Đây là trái ngọt cho những nỗ lực của Trung Quy trong tiến trình bắt nhịp xanh hoá sản xuất.
Hay với Công ty cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành, xanh hoá của doanh nghiệp thể hiện bằng cam kết giảm phát thải CO2. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp liệt kê các nguồn phát thải như lò hơi, gas, thiết bị dùng điện… và tiến hành cắt giảm việc sử dụng than đá, thay bằng vỏ cây và kiểm soát năng lượng…
Lộ trình giảm phát thải CO2 đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị, tìm nguồn nguyên liệu mang tính tự nhiên hơn. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà với cơ cấu giám sát chi phí, Trần Hiệp Thành đã thành công trong việc sử dụng 80% nhiên liệu xanh hóa và sử dụng 30 - 35% nguyên liệu tái chế được.
Xanh hoá sản xuất trong ngành dệt may khá đa dạng và được doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp với bối cảnh riêng, như: Chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lò hơi sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên…
Một điều hiển nhiên khi đầu tư cho xanh hoá chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể. Theo tính toán, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống, hay sử dụng nồi hơi điện chi phí sản xuất tăng lên 15-18%. Từ đó, sản phẩm đưa ra thị trường có sự cạnh tranh rất lớn về giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đây cũng là lực cản đáng kể cho doanh nghiệp dệt may bước tiếp trên con đường xanh hoá.
Theo ông Vũ Đức Giang, có 5 điểm then chốt với doanh nghiệp dệt may trong quá trình xanh hoá sản xuất.
Đầu tiên, doanh nghiệp phải thích ứng với việc sử dụng sợi tái chế trong sản xuất, điều này là bắt buộc. Tiếp đó, phát triển bền vững và xanh hoá đồng nghĩa doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng của các nhà máy đạt chuẩn theo yêu cầu, đánh giá của các khách hàng, tiêu chuẩn trong nước và cam kết của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Sử dụng sản phẩm thiên nhiên như năng lượng mặt trời, đầu tư cho điện áp mái. Tuân thủ những đòi hỏi của nhãn hàng, trong đó có việc không sử dụng nồi hơi đốt bằng than, dầu. Cuối cùng là tạo tính liên kết chuỗi, bắt tay để đạt các chuẩn mực, yêu cầu của nhãn hàng toàn cầu.
Xanh hoá, phát triển bền vững là con đường phải đi với ngành dệt may, tuy nhiên cũng phải xác định con đường này rất hiểm trở và thách thức lớn nhất là nguồn tài chính. Theo đó, lãnh đạo Hiệp hội dệt may Việt Nam đề nghị: Chính phủ cần có chiến lược, chính sách cụ thể cho xanh hoá sản xuất. “Có thể xây dựng quỹ tài nguyên môi trường cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%, hoặc 1-2%/năm để đầu tư cho xanh hoá. Chính sách này triển khai càng nhanh càng tốt bởi luật chơi toàn cầu không chờ đợi bất cứ ai”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn cần có ý thức trong mục tiêu phát triển bền vững, xanh hóa; đầu tư vào nhà xưởng, công nghệ, năng lượng tái tạo, môi trường… Cùng đó, tuyên truyền nâng cao ý thức của bộ phận quản lý và người lao động.
Được biết, 6 tháng năm 2023 ngành dệt may Việt Nam đạt 18,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, để “hồi phục” lại sức tăng trưởng cho ngành, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo: Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt là xương sống phát triển của ngành.
Tuy nhiên, đó là chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là cần có hoạch định chiến lược của Chính phủ về giải pháp phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Mục tiêu của chiến lược cũng cần được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt. Đồng thời, chính sách phải đi đôi với thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp đang vướng mắc gì để thấu hiểu và chia sẻ.
Nguồn:Tapchicongthuong.vn