Một số doanh nghiệp dệt may có thể báo lãi quý II tăng mạnh so với quý I
Mặc dù trị giá xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ, toàn ngành đã ghi nhận một số tín hiệu hồi phục trong những tháng gần đây. Các chuyên gia chung nhận định ngành dệt may sẽ đón tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng đơn hàng cho nửa cuối năm nay.
Trong báo cáo ngày 12/7, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 đạt 15,7 tỷ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ảnh hưởng bởi mức tiêu dùng suy yếu tại thị trường xuất khẩu và việc các nhãn hàng giảm lượng hàng dự trữ và thận trọng trong việc đặt đơn mới.
Nhóm phân tích kỳ vọng đơn hàng dệt may sẽ tích cực hơn trong quý III (thường là mùa cao điểm) và quý IV/2023 khi triển vọng tiêu thụ hồi phục rõ ràng hơn.
VDSC đánh giá, trong khi xuất khẩu dệt may vẫn còn yếu, thì xơ và sợi đang có dấu hiệu cải thiện, với mức tăng trưởng sản lượng lần lượt là 17% và 18% cùng kỳ 2022 trong tháng 5 và tháng 6. Mức phục hồi này phù hợp với kỳ vọng của nhóm phân tích khi từ giữa quý II, các khách hàng dệt may đang dần đặt thêm các đơn hàng mới để chuẩn bị cho bộ sưu tập Xuân - Hạ 2024.
Dù vậy, lũy kế 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi chỉ ghi nhận 2.056 tỷ USD, tức giảm 25,6% so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do mặt bằng chung đơn giá giảm.
Việc thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam chứng kiến phục hồi dần theo tháng cũng được nhóm phân tích CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định trong báo cáo ngày 11/7 trước đó.
Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu dệt may vẫn giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên ngành dệt may liên tục ghi nhận sự hồi phục qua các tháng trong giai đoạn này. Theo VCBS, trị giá xuất khẩu trong quý II đã tăng 21% so với quý trước, và xấp xỉ với trung bình xuất khẩu quý trong 2 năm rưỡi gần đây.
Trong đó, tốc độ hồi phục nhanh nhất thuộc về thị trường xuất khẩu sang EU và Trung Quốc với trị giá xuất khẩu tháng 5/2023 đã tăng trưởng dương, lần lượt 0,1% và 10,1% cùng kỳ cho thị trường EU và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, giá may mặc vẫn duy trì ổn định trong khi giá nguyên vật liệu (NVL) điều chỉnh mạnh. Cụ thể, giá NVL đầu vào bao gồm bông, xơ, sợi vẫn duy trì giảm sau khi tạo đỉnh vào quý III năm ngoái, hiện đã điều chỉnh lại về so với mức thấp. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, toàn bộ bông tồn kho giá cao của phần lớn các doanh nghiệp dệt may sẽ được giải quyết hết trong giữa tháng 7, muộn nhất là sang tháng 8.
Do đó, nhóm phân tích dự kiến giá nhập NVL tồn kho như xơ, sợi, bông sẽ giảm dần từ đầu quý II đồng thời làm giảm giá thành sản xuất cho các doanh nghiệp trong ngành.
Trong khi đó, giá bán các sản phẩm quần áo sang thị trường Mỹ có điều chỉnh đồng pha nhưng vẫn duy trì ổn định so với năm 2022. Nhìn chung, VCBS nhận định ngành dệt may sẽ ghi nhận sự phục hồi tích cực trong nửa cuối năm nay.
Đồng quan điểm, CTCK Bảo Việt (BVSC) trong báo cáo ngày 6/7 cũng kỳ vọng sự hồi phục toàn ngành trong giai đoạn từ quý IV/2023 đến nửa đầu năm sau dựa vào các yếu tố về nền thấp của cùng kỳ năm ngoái; lạm phát tại thị trường Mỹ tiếp tục đà hạ nhiệt; và tận dụng lợi thế Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đối với một số mặt hàng sợi và quần áo được hưởng thuế 0% từ năm 2023.
Các doanh nghiệp vẫn thận trọng về kế hoạch kết quả kinh doanh trong năm nay. Nguồn: BVSC
Dự báo lợi nhuận quý II của một số doanh nghiệp dệt may có thể tăng mạnh so với quý I
Xét theo các doanh nghiệp, VDSC ước tính kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp dệt may đầu ngành có khả năng cải thiện trong quý II so với quý trước như phân tích trong bảng dưới đây.
Về CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), phía VCBS bổ sung nhận định doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi thị trường EU (chiếm khoảng 32% trong tổng doanh thu công ty) đang hồi phục tích cực. Nhóm phân tích dự báo cho cả năm 2023, TNG có thể đạt 295 tỷ đồng lãi ròng, tăng 0,6% cùng kỳ.
Theo đó, VCBS nhận thấy kết quả kinh doanh của TNG luôn duy trì ổn định so với các doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, trị giá xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang châu Mỹ và châu Âu của TNG vẫn duy trì ổn định so với cùng kỳ, trong đó doanh thu xuất khẩu sang Mỹ còn tăng 2% cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm phân tích cho rằng kết quả này đến từ chiến thuật giảm giá đơn hàng, chấp nhận đơn hàng với biên thấp để duy trì sản lượng. Do đó, biên lợi nhuận gộp của TNG trong 5 tháng đầu năm thấp hơn so với mặt bằng chung trong năm 2023.
CTCK Mirae Asset (MAS) cũng đánh giá TNG là ngôi sao sáng của ngành dệt may với hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tốt.
Năm 2023, với chiến lược tiếp tục duy trì nhận các đơn hàng giá trung bình thấp để duy trì hoạt động kinh doanh, MAS dự phóng doanh thu cả năm của TNG đạt 7.151 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ, lãi ròng đạt 359 tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ nhờ doanh thu mảng dệt may & gia công đạt 6.933 tỷ đồng tăng 3,4% cùng kỳ năm trước và biên lợi nhuận gộp ở mức 15,4%, chủ yếu nhờ mảng bất động sản khu công nghiệp.
Cùng với TNG, một doanh nghiệp khác là CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) cũng được dự báo doanh thu quý II tăng trưởng đáng kể so với quý I nhờ đơn hàng cải thiện trong bối cảnh mảng sợi được kỳ vọng dẫn dắt sự phục hồi của toàn ngành. Trong báo cáo của VDSC, STK được dự báo ghi nhận lãi ròng tăng 1.926% so với quý trước dù vẫn giảm 54% so với cùng kỳ.
CTCK VNDIRECT trong báo cáo trước đây cũng bày tỏ kỳ vọng lãi ròng STK phục hồi trong nửa cuối 2023. Cụ thể, nhóm phân tích kỳ vọng lãi ròng của STK tăng 63% cùng kỳ trong nửa cuối năm nay nhờ lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chính hạ nhiệt và khách hàng bổ sung hàng tồn kho để sản xuất cho quý đầu năm sau.
Về phía doanh nghiệp, ban lãnh đạo STK kỳ vọng các đơn hàng vụ xuân và hè 2024 sẽ giúp lãi ròng 6 tháng tới phục hồi so với nửa đầu năm nay và vụ đông 2024 sẽ là động lực lớn hơn cho việc nối lại các đơn hàng.
Nhìn chung, VNDIRECT dự phóng doanh thu cả năm 2023 của công ty sẽ giảm 19,2% so với năm ngoái, thấp hơn mức giảm 29,1% so với dự phóng trước đó của nhóm phân tích.
Nguồn:Doanhnhanhvn.vn