Hiện nay, các DN trực tiếp sản xuất hoặc tham gia chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may đã tiếp nhận những yêu cầu xanh hóa trong sản xuất, thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Đây là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh của DN khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, nhưng cũng là rào cản lớn đối với DN vì phải dành khoản đầu tư lớn cho nhà xưởng, máy móc trang thiết bị và đổi mới công nghệ.
Song theo các chuyên gia, trong thời đại phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, sự hỗ trợ của số hóa đã giải quyết hiệu quả vấn đề xanh hóa của ngành dệt may như nâng cao hiệu suất, giảm giá thành sản xuất, tập hợp và minh bạch hóa dữ liệu quản lý. Các DN có nắm bắt cơ hội mới về chuyển đổi số, xây dựng liên kết chuỗi với sự chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện, định hình thông minh cho phát triển xanh hóa.
Các DN dệt may tiếp tục phải đầu tư công nghệ, đáp ứng yêu cầu tái chế lại sản phẩm của thị trường.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - CTCP khẳng định, Chính phủ đã cam kết tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà nhập khẩu, những thương hiệu thời trang hàng đầu của châu Âu là các đơn vị tiên phong cam kết về phát triển bền vững, sản xuất xanh và các sản phẩm xanh; tiếp theo đó có thể là Mỹ và Nhật Bản…Do đó, xanh hóa trong hoạt động sản xuất và xanh hóa trong các sản phẩm dệt may là yếu tố mang tính chiến lược, không chỉ đối với May 10 mà với cả ngành dệt may Việt Nam.
"Chi phí đầu tư của DN có thể lớn, nguồn nhân lực cũng phải qua đào tạo liên tục để có thể tiếp cận với sản xuất xanh… song xanh hóa là một trong những yếu tố mà dù muốn hay không vẫn là điều bắt buộc đối với DN trong xu thế của tương lai", ông Việt nói.
Cùng liên quan đến vấn đề xanh hóa ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chia sẻ, mới đây EU đã chính thức có lộ trình cấm tiêu hủy hàng dệt may không bán được. Đây không phải là yêu cầu mới của EU, mà là chiến lược phát triển dệt may bền vững và tuần hoàn đã được EU công bố từ tháng 3/2022.
"EU xác định nguồn thải từ dệt may là nguồn thải lớn nhất, nếu thế giới vẫn áp dụng biện pháp xử lý thông thường như hiện nay là đốt, chôn lấp dù tốn kém ít chi phí nhất song lại gây ảnh hưởng tới môi trường. Trong khi một số loại sản phẩm dệt may sử dụng sợi tổng hợp, dù có chôn lấp vài trăm năm cũng không thể tiêu hủy, nên đặt ra yêu cầu phải tái chế lại hoàn toàn", ông Hiếu thông tin.
Trước những yêu cầu từ thị trường EU trong vấn đề cấm tiêu hủy hàng dệt may, ông Cao Hữu Hiếu khẳng định điều này đương nhiên sẽ tác động tới các DN dệt may Việt Nam. Tất cả các DN sẽ phải ứng phó với câu chuyện đó và thực tế, các thành viên trong Vinatex như sợi Phú Bài, sợi Phú Cường hay một số đơn vị tư nhân hoặc doanh nghiệp FDI đã tiến hành việc kéo xơ từ sợi tái chế.
"Mới đây, rất nhiều hãng sản xuất đã trình diễn các công nghệ tái chế sản phẩm từ các sản phẩm dệt may, từ quần áo. DN Việt Nam đương nhiên phải đầu tư nghiên cứu công nghệ, nhập khẩu các thiết bị, công nghệ để sản xuất các sản phẩm tái chế từ quần áo", ông Hiếu nói.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty may mặc trên thế giới chuyển đổi và nâng cấp thành công với sự trợ giúp của giải pháp thông minh toàn diện Jack. Ông Zheng Haitao, Tổng Giám đốc chiến lược khách hàng lớn toàn cầu của Jack Technology cho biết, giải pháp kết nối thông minh toàn diện Jack với hỗ trợ nền tảng IoT công nghiệp và nền tảng sinh thái phần mềm ứng dụng nối liền 7 "đảo dữ liệu" gồm kho nguyên phụ liệu, trải cắt, phòng may, khâu hoàn thành, kho thành phẩm.
“Điều này không chỉ có thể giúp các DN may mặc nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn giúp hình thành một mô hình sinh thái tốt hơn trong chuỗi công nghiệp. Jack sẵn sàng hợp tác với các đối tác của các ngành nghề để cùng hỗ trợ ngành may phát triển theo con đường chuyển đổi số, sản xuất số hóa hướng tới xanh hóa", ông Zheng Haitao nêu rõ.
Xanh hóa trong sản xuất là đòi hỏi cấp thiết đối với các DN dệt may.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 18,6 tỉ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh nhiều DN, ngành hàng khác xuất khẩu sụt giảm rất sâu, mức sụt giảm của dệt may như trên thể hiện nỗ lực lớn của cộng đồng DN. Không chỉ chủ động đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, các DN dệt may còn nhanh chóng thích ứng, tìm ra lối thoát thông qua việc số hóa và xanh hóa quy trình sản xuất.
Ông Giang cho rằng, dệt may cần phải sớm được hoạch định chiến lược rõ ràng. Chính phủ mới là người định ra chiến lược có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung, bởi đó là điều kiện cần và đủ để đẩy mạnh số hóa, phát triển xanh hóa, bền vững ngành dệt may trong bối cảnh hiện nay. Chính phủ phải đồng hành với DN để xây dựng chiến lược phát triển xanh hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng nguồn nước…