Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 DN may, trong đó, khoảng 50 DN có hoạt động xuất khẩu thường xuyên. Các DN may vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng thấp. Công ty TNHH Vina Thanh Hóa có trụ sở chính tại TP Thanh Hóa và 5 hệ thống nhà máy may tại Yên Định, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, với khoảng 500 công nhân. Năm 2022, dù gặp khó khăn do bất ổn chính trị, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, song công ty vẫn giữ vững được thị trường và các đơn hàng. Nhờ đó, việc sản xuất, kinh doanh của công ty trong năm qua đạt 6 triệu sản phẩm, vượt kế hoạch đề ra. Tự tin với kết quả đạt được, năm 2023, Công ty TNHH Vina Thanh Hóa mở rộng thêm 5 dây chuyền sản xuất, tuyển thêm hơn 100 công nhân. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay đơn hàng của công ty sụt giảm 30%. Theo đó, việc làm của người lao động không được bảo đảm, công nhân hầu như không được tăng ca, nên ảnh hưởng đến thu nhập. Ông Lê Đình Linh, đại diện công ty cho biết: 100% sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Hiện tình hình tiêu dùng ở thị trường này đang giảm sút nên đơn đặt hàng theo đó cũng giảm theo. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, đây là thời điểm mà công ty gặp khó khăn nhất về đơn hàng. Thông qua việc nắm bắt thông tin từ các bạn hàng, thời gian tới dự báo tình trạng thiếu hụt đơn hàng sẽ còn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng.
Được biết, do suy thoái kinh tế toàn cầu nên nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại Thanh Hóa, nhất là các DN nhỏ bị ảnh hưởng khá lớn. Công ty TNHH May Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn) có gần 10 dây chuyền sản xuất với hơn 300 lao động. Sản phẩm của công ty xuất khẩu sang Hàn Quốc và một số nước châu Á. Những năm trước, cứ trung tuần tháng 3 là DN nhận đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm. Tuy nhiên, năm nay đã đầu tháng 6 nhưng đơn vị mới có đủ đơn hàng sản xuất đến tháng 9. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của suy thoái hậu dịch COVID-19, nhất là ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraina làm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, người dân tiết kiệm chi tiêu nên các đối tác của công ty khó tiêu thụ sản phẩm. Đại diện lãnh đạo công ty cho biết: “Doanh thu trong quý I của chúng tôi chỉ đạt 10 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập của người lao động cũng giảm từ 15 - 20%. Hiện tại, chúng tôi phải tìm cả những đơn hàng nhỏ, gia công những mặt hàng không phải là thế mạnh của DN để bảo đảm thu nhập và giữ chân công nhân”.
Để khắc phục khó khăn, các DN may không ngừng tìm bạn hàng mới, đồng thời áp dụng việc chuyển đổi số trong các khâu quản lý, sản xuất như: Quản trị nhân lực, quản lý tồn kho, thanh quyết toán tài chính, tiết kiệm năng lượng, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất bằng việc áp dụng công nghệ mới, sản xuất tuần hoàn. Đơn cử như Công ty TNHH MTV X20, Khu Công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, TP Thanh Hóa vừa mua sắm nhiều máy móc hiện đại như hệ thống máy may cắt chỉ và máy cắt vải tự động... với nhiều chức năng, đáp ứng nhiều khâu công việc, giảm thiểu thời gian và nhân lực sản xuất. Mỗi máy cắt vải tự động giảm từ 7 - 8 lao động. Công ty còn chủ động lắp đặt, sử dụng điện năng lượng mặt trời để sản xuất, từ đó góp phần giảm phụ thuộc vào điện lưới. Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống chấm công bằng vân tay hoặc thẻ; chi trả lương qua thẻ ngân hàng; cập nhật số liệu qua biểu mẫu, phần mềm; đầu tư hệ thống máy đóng túi, máy trải vải, máy may tự động... và nhiều máy móc kỹ thuật hiện đại khác cũng được Công ty TNHH MTV X20 từng bước đầu tư và đưa vào sử dụng nhằm giảm nhân công trong từng khâu, tăng năng suất lao động.
Hiện các DN dệt may đang phục hồi trở lại do tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, để ngành dệt may phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng như những năm trước khi đại dịch xảy ra vẫn cần thời gian dài. Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa Trịnh Xuân Lâm: Trong giai đoạn tới yếu tố nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế của dệt may Việt Nam nói chung. Trong khi đó, lâu nay dệt may chủ yếu làm hàng gia công cho các nhãn hàng nên giá trị lợi nhuận thấp. Do đó, định hướng phát triển của ngành dệt may Thanh Hóa là tiến dần lên các phương thức sản xuất tự động hóa để mang lại giá trị gia tăng cao hơn, từ gia công tiến lên tự sản xuất vải, thiết kế, cắt may và xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh cần hỗ trợ DN dệt may tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học- công nghệ để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Bài và ảnh: Phương Chi
Nguồn:Baothanhoa.vn