Trang phục đạo Hồi, cá khô… mở lối cho xuất khẩu thời lạm phát

Trong khi các sản phẩm cao cấp của ngành dệt may như quần tây, áo sơ mi, vest… suy giảm đơn hàng, hay tôm, hải sản… “thất thu” vì người Mỹ, EU cắt giảm chi tiêu vì lạm phát, thì những mặt hàng như trang phục đạo Hồi, sản phẩm cá đóng hộp, cá khô… lại được nhiều người tiêu dùng thế giới săn đón. Đó là hướng đi mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thời kỳ đơn hàng suy giảm mạnh.

“Ở thời điểm này, chúng tôi không có quyền lựa chọn, tất cả sản phẩm có thể sản xuất bởi máy may thì doanh nghiệp chúng tôi đều nhận, không phân biệt hàng cao cấp hay thấp cấp”, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng Công ty May 10 chia sẻ. Đây là cách để các doanh nghiệp duy trì sản xuất và giữ chân lao động, chờ thị trường phục hồi.

Quần áo đạo Hồi, cá khô ‘đắt hàng’

Câu chuyện mà đại diện May 10 đề cập đang là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp dệt may lựa chọn trong lúc “khát” đơn hàng hiện nay. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phát triển thị trường ở khu vực Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông – đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất rất nhiều quần áo phục vụ cho người dân theo đạo Hồi.

-5193-1685090222.jpg

Thay vì sản xuất hàng thời trang cao cấp, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất quần áo đại chúng, thời trang cho người dân theo đạo Hồi. 

“Đa dạng hóa thị trường là mục tiêu phải đạt được, không có con đường nào khác”, Chủ tịch Vitas nói.

Theo Vitas, dự báo phải đến tháng 7-8/2023, thị trường dệt may mới ấm trở lại. Trong lúc chờ thị trường hồi phục, một số doanh nghiệp đã phải giảm tỷ trọng các sản phẩm cao cấp, thế mạnh và sản xuất những sản phẩm thị trường cần, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trong giai đoạn lạm phát.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) cho biết, sản xuất quần áo đạo Hồi là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp dệt may đang chọn. Với Vitajean, sụt giảm đơn hàng ở thị trường EU rất mạnh, diễn ra từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, ngay sau đó, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các thị trường như Úc, Canada.

Ông Việt đánh giá, bước chuyển này giúp DN giảm bớt cú sốc về việc mất đơn hàng, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Đối với thị trường Úc, Canada, chúng tôi sẽ sản xuất các mặt hàng quần áo thông thường – nói nôm na là hàng đại chúng. Còn với thị trường EU, chúng tôi sẽ sản xuất quần áo thời trang”, ông nói.

Theo lãnh đạo Vitajean, quần áo thời trang yêu cầu thẩm mỹ, độ tinh tế được sản xuất bằng các máy móc hiện đại 4.0 nên giá trị thu về cao, lợi nhuận của doanh nghiệp nhiều hơn. Ngược lại, quần áo thông thường yêu cầu đơn giản hơn, sử dụng máy móc thông thường, lợi nhuận thấp hơn. “Tuy nhiên, trong bối cảnh mà thị trường EU, Mỹ giảm cầu vì lạm phát thì việc có được đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động là hướng đi mà chúng tôi ưu tiên”, ông Việt chia sẻ với VnBusiness.

Với ngành hàng thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết kết quả kinh doanh và lợi nhuận của nhiều DN sụt giảm mạnh. Bức tranh thị trường phần lớn bị che phủ bởi gam màu xám khi mà kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở nhiều thị trường lớn. Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn trong tình trạng tăng trưởng âm trong tháng 4. Xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất, âm 52%; tôm sụt giảm 35%, cá ngừ giảm 38% và mực - bạch tuộc giảm 11%.

-8275-1685090222.png

Xuất khẩu cá cơm khô tăng mạnh trong 4 tháng năm 2023 (Nguồn: VASEP). 

Tuy nhiên, VASEP chỉ ra tín hiệu khi các sản phẩm từ cá biển khác có xu hướng khả quan hơn vì chỉ giảm nhẹ 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm cá philê tươi/đông lạnh, chả cá đều bị sụt giảm doanh số, trong khi cá khô, cá đóng hộp có kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ.

Riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá biển khô các loại tăng 65% đạt gần 26 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản phẩm này đã thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%.

Giảm phụ thuộc thị trường truyền thống

5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá khô của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 56%, Nga chiếm 17%, Malaysia chiếm 8%, Hongkong chiếm 4% và Hàn Quốc chiếm 3%. Kết quả 4 tháng đầu năm nay cho thấy, chỉ có Malaysia giảm nhu cầu cá khô Việt Nam, 4 thị trường còn lại đều tăng nhập, trong đó Trung Quốc tăng tới 72%, Hongkong tăng 59%.

Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng tăng nhập khẩu cá khô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm: cụ thể Đài Loan tăng 45%, Rumani tăng 90%, Úc tăng 10%, Lithuania tăng 61%.

VASEP đánh giá: Diễn biến xuất khẩu sản phẩm cá khô của Việt Nam đã cho thấy, rõ ràng là trong môi trường lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán của họ. Sản phẩm tươi/sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô và đóng hộp. Do vậy, các nhà cung cấp thủy sản bây giờ ngoài áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn thì còn phải quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm để kích thích nhu cầu. Ví dụ, với sản phẩm cá, nhiều nhà phân phối trên thế giới đang chú trọng cung cấp cá đã cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến…

Liên quan đến triển vọng thị trường, khảo sát hơn 9.500 doanh nghiệp của Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) công bố mới đây cũng cho thấy một con số rất đáng lo ngại. Cụ thể, 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá triển vọng thị trường cho các sản phẩm kinh doanh của doanh nghiệp mình trong năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó 28,8% đánh giá rất tiêu cực.

“Điều này cho thấy niềm tin vào thị trường nội địa và quốc tế đều ở mức thấp”, Ban IV đánh giá. Theo đó, Ban IV đề xuất Nhà nước quan tâm, hỗ trợ việc đầu tư ra nước ngoài nhằm tìm nguồn cung ổn định cho nguyên liệu Việt Nam liên quan tới các ngành may mặc, da giày, đồ gỗ... vì việc giảm phụ thuộc nguồn cung vào một thị trường truyền thống là không đơn giản, cần có các chương trình đàm phán thương mại, ngoại giao kinh tế đi kèm.

Bên cạnh đó, Ban IV cũng kiến nghị Nhà nước tăng cường ký kết các hiệp định thương mại để doanh nghiệp có cơ hội mở rộng hơn thị trường xuất khẩu và tìm kiếm các đơn hàng mới; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội để tập trung khâu hỗ trợ tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp. Các hiệp hội hiện nay đều khá thụ động, chưa có sự thay đổi trong việc nắm bắt thông tin của ngành, cần sự thay đổi để nhanh nhạy nắm bắt, tư vấn cho doanh nghiệp hội viên đón đầu các khuynh hướng hàng hoá nhằm tăng trưởng lượng đơn hàng, vì đây là mục tiêu ngắn hạn khẩn cấp cần nhất hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Dẫn tới, các sản phẩm cao cấp, xa xỉ… sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng về đầu ra. 

Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường. Doanh nghiệp cần tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).

“Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia); thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay)”, ông Hải khuyến nghị. 

Lê Thúy 

Nguồn:Vnbusiness.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/